Ngôi nhà 2 tầng còn thực hiện xoay một góc 180 độ khi di chuyển sang vị trí mới cách vị trí cũ 100m.

Ngôi nhà 2 tầng nằm tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, thuộc khu vực giải phóng mặt bằng của Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), đoạn qua tỉnh Nam Định.

Ban đầu, ngôi nhà thuộc sở hữu của anh Dũng. Sau khi hoàn tất công tác bồi thường và hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án, gia đình anh Dũng đã chuyển đến nơi ở mới. Sau đó, anh Nguyễn Văn Thuế, người cùng xã, đã mua lại ngôi nhà này.

Ngôi nhà nặng 500 tấn tại Nam Định được ‘thần đèn’ di dời thành công đến vị trí mới

Căn nhà 500 tấn được “thần đèn” di dời

Chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, anh Thuế cho biết, ngôi nhà có thiết kế hiện đại, kiên cố và mới được sử dụng trong 3 tháng. Việc dỡ bỏ nó sẽ rất lãng phí, vì vậy, anh quyết định mua lại “xác” ngôi nhà và thuê “thần đèn” để di dời nó sang lô đất mới cách đó khoảng 100m.

Được biết, một tổ đội thực hiện di dời nhà thường có khoảng 6 người, trong những thời điểm quan trọng có thể lên tới 15 người, và họ thường được gọi chung là “thần đèn”. Số lượng người và thiết bị di dời sẽ phụ thuộc vào tải trọng và kết cấu của ngôi nhà.

Ngôi nhà này có kết cấu 2 tầng với diện tích mặt sàn 128m2, nặng khoảng 500 tấn. Do yêu cầu phải xoay 180 độ so với vị trí ban đầu nên chi phí di dời cao hơn những trường hợp chỉ di chuyển từ điểm A đến điểm B. Thời gian để hoàn thành việc di dời ngôi nhà kéo dài khoảng 4 tháng.

Ngôi nhà nặng 500 tấn tại Nam Định được ‘thần đèn’ di dời thành công đến vị trí mới

Trục kích ngôi nhà

Ngôi nhà nặng 500 tấn tại Nam Định được ‘thần đèn’ di dời thành công đến vị trí mới

Trước khi kích, phần điểm tựa của ngôi nhà phải được gia cố

Quá trình di dời bắt đầu bằng việc kích ngôi nhà lên, do móng của ngôi nhà nằm sâu dưới mặt đất. Trước khi kích, phần điểm tựa của ngôi nhà phải được gia cố. Sau đó, các trụ móng được cắt bỏ, sử dụng kích thủy lực để nâng ngôi nhà lên, đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào bên dưới để thực hiện di dời.

>> Một căn biệt thự hơn 2 tỷ đồng tại Lào Cai bất ngờ bị đất đá vùi lấp

Nhóm thợ sau đó sử dụng xi lanh thủy lực để đẩy các con lăn, giúp giảm sức kéo từ con người. Trong quá trình di chuyển, đội thợ liên tục kiểm tra và gia cố gỗ chèn dưới các trụ nhà và con lăn. Nếu di chuyển theo đường thẳng, ngôi nhà có thể trượt khoảng 20m mỗi ngày, còn khi xoay góc thì tiến độ chỉ đạt khoảng 6m mỗi ngày.

Ngôi nhà nặng 500 tấn tại Nam Định được ‘thần đèn’ di dời thành công đến vị trí mới

Ngôi nhà đến nay đã được di dời đến vị trí mới

Khi gặp khúc cua, cần xoay ngôi nhà, hệ thống ray và con lăn được bố trí lại theo hình rẻ quạt để tiếp tục kéo. Quá trình này đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Khi đến gần vị trí móng mới đã chuẩn bị sẵn, đội thợ sẽ căn chỉnh, ổn định vị trí và hướng nhà, sau đó hạ ngôi nhà xuống và đặt chính xác vào phần móng mới.

Theo báo Lao Động, vào ngày 15/10, đội “thần đèn” đã hoàn thành việc di dời ngôi nhà 2 tầng nặng 500 tấn, xoay 180 độ và đưa nó về vị trí mới thành công.