×

Thế lực nào đã chống lưng cho bến xe l:ậu Thành Bưởi

Xe khách trá hình dưới dạng hợp đồng, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông không hiếm. Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra khiến hàng loạt dấu hiệu vi phạm “vỡ lở”.

Tai nạn thảm khốc xảy ra vào 2h30 ngày 30/9, do tài xế xe Thành Bưởi gây ra làm chết 5 người và nhiều người bị thương, với những dấu hiệu vi phạm được công bố làm dấy lên lo ngại về dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ô tô.

Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi đoàn kiểm tra do Sở GTVT TP.HCM chủ trì thực hiện trong tuần qua đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm đối với Công ty TNHH Thành Bưởi.

Trong đó, nhà xe này không vào bến để đón, trả khách mà thường xuyên thực hiện việc này tại văn phòng công ty. Việc chở khách được công ty này “trá hình” thành xe hợp đồng, xe du lịch để không phải vào bến. Nhiều trường hợp lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ). Thời gian lái xe làm việc trong ngày quá 10 giờ so với quy định, có trường hợp vi phạm vượt quá tốc độ 5 lần/tháng trên cùng một xe.

Ai phải chịu trách nhiệm về những dấu hiệu sai phạm của nhà xe Thành Bưởi?-1
Vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế xe khách Thành Bưởi gây ra ở Đồng Nai hôm 30/9.

Đáng lưu ý, dù những dấu hiệu sai phạm này mới được Sở GTVT chỉ ra nhưng theo báo chí phản ánh thì những vấn đề này đã diễn ra trong thời gian dài, thậm chí nhà xe còn tổ chức “xe dù, bến cóc” ngay cạnh trụ sở Thanh tra giao thông và ở nhiều nơi khác…

Cụ thể, nhà xe này đã lập nhiều bến trong đó có bến công khai, bến “trá hình”, bến có quyết định nhưng cũng có bến không có quyết định. Đơn cử như bến ở TP Đà Lạt hoạt động công khai mặc dù không đủ diện tích để bố trí làm một bến xe. Hay như nhà xe lập bến ở 66-68 Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhưng lại trung chuyển khách ra 48C đường song hành xa lộ Hà Nội.

Nhà xe đăng ký chỉ một tuyến duy nhất đi Cần Thơ, các tuyến còn lại, đặc biệt tuyến TP.HCM – Đà Lạt mỗi ngày chạy hàng trăm chuyến cố định nhưng được “trá hình” dưới dạng xe hợp đồng, xe du lịch.

Thực trạng này tồn tại trong nhiều năm qua. Thậm chí ngay cả khi đang bị thanh, kiểm tra thì nhà xe vẫn tiếp tục đón trả khách như trước đây.

Cần lưu ý, trong top những nhà xe lớn ở TP.HCM, Thành Bưởi được đánh giá có số xe đứng đầu bảng. Trên website công ty này công bố sở hữu gần 300 xe các loại bao gồm: Xe du lịch, xe khách và xe tải được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đối với tuyến TP.HCM- Đà Lạt, công ty thông báo công khai 30 phút sẽ có một chuyến xe hợp đồng, giá vé dao động từ 290.000 – 400.000 đồng tùy thuộc vào từng loại xe, loại giường.

Câu chuyện xe chở khách tuyến cố định “trá hình” hợp đồng, phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn giao thông đã được nhắc đến nhiều, nhưng vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế nhà xe Thành Bưởi gây ra là một trường hợp điển hình để thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý.

Đúng như nhìn nhận của ông Trần Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá “công tác quản lý Nhà nước ở địa phương còn hạn chế”.

Rõ ràng, địa phương cụ thể ở đây là Sở GTVT TP.HCM, TP Đà Lạt đã buông lỏng trong công tác quản lý, buông lỏng công tác thanh tra kiểm tra hàng năm. Các cơ quan chuyên môn này đã không thường xuyên rà soát thông tin ghi nhận trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình để chấn chỉnh, xử lý kịp thời thông qua hình thức thu hồi phù hiệu, xử lý với xe vi phạm tốc độ.

Ngoài ra còn trách nhiệm của UBND các địa phương liên quan đến công tác quản lý, cấp phép hoạt động các bến xe. Và còn lực lượng công an giao thông. Vì sao lái xe bị thu giữ bằng lái nhiều tháng trời vẫn dễ dàng “lọt” qua các chốt cắm trên hơn 300km TP.HCM- Đà Lạt?.

Sự thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương, cơ quan chuyên môn đã để nhà xe “có dấu hiệu” sai phạm diễn ra trong thời gian dài, đỉnh điểm gây tai nạn chết người thì sự việc mới vỡ lở là bài học đắt giá.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 9 tháng năm 2023 diễn ra mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động xe kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn.

Theo quy định hiện nay, xe vi phạm tốc độ quá 5 lần/tháng mới chỉ dừng ở việc thu hồi phù hiệu và rất nhanh sau đó có thể được cấp lại.

Bộ trưởng GTVT cho rằng, phải có những chế tài mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn từ việc thu hồi giấy phép xe vi phạm cho đến chấm dứt, cấm vĩnh viễn nhà xe kinh doanh trong lĩnh vực này.

Để không có một Thành Bưởi thứ 2, đã đến lúc các cơ quan hữu quan cần ra quân tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên toàn quốc, công khai những nhà xe vi phạm từ đó có những chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Song song với đó, cần khẩn trương hoàn thiện các phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phục vụ tốt hơn cho công tác giám sát trực tuyến thay vì hậu kiểm như hiện nay.  Mục đích, nhằm cảnh báo trực tiếp tới doanh nghiệp, đặc biệt là gửi trực tiếp các thông tin xe vi phạm đến lực lượng cảnh sát giao thông để ngăn chặn các hành vi vi phạm của tài xế.

Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng không biết ai chống lưng mà bến xe lậu Thành Bưởi vẫn ngang nhiên tồn tại.

Các cơ quan chức năng của TP.HCM đã chỉ ra những vi phạm của bến xe lậu Thành Bưởi tại số 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10. Tuy nhiên, điều rất lạ lùng là đến nay bến xe này vẫn hoạt động nhộn nhịp, gây mất trật tự ATGT, bức xúc cho người dân.

Lập lờ đánh lận con đen

Những ngày qua, Công ty TNHH Thành Bưởi đã gửi đơn kiện nhiều cơ quan báo chí vì đã có các bài viết phản ánh về hoạt động trá hình, lách luật, né thuế của công ty này. Thành Bưởi cho rằng, khi chưa có bản án của Tòa án hoặc quyết định của một cơ quan có thẩm quyền, những thông tin trên là xuyên tạc, vu khống.

Tuy nhiên, tại Báo cáo 8489/BC-UBND ngày 21/9/2016 của đoàn kiểm tra liên ngành quận 10 đã chỉ rõ những chiêu thức lách luật của Công ty TNHH Thành Bưởi.

Cụ thể, khi kiểm tra tại 419 Lê Hồng Phong, đoàn kiểm tra nhận thấy, ngoài việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty CP Giày Sài Gòn với Công ty TNHH Thành Bưởi thì ngày 16/8/2016, Sở KH-ĐT cấp Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh – Công ty CP Thương mại Thành Bưởi – mã số địa điểm kinh doanh 00001 hoạt động theo ủy quyền của Công ty CP Thương mại Thành Bưởi. Đây là một công ty khác cũng do ông Lê Đức Thành là người đại diện theo pháp luật có trụ sở chính tại địa chỉ 586 Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh.

Tại báo cáo trên của UBND quận 10 cũng nêu rõ: Thực chất việc đặt điểm kinh doanh của Công ty CP Thương mại Thành Bưởi tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong có 3 điểm chính: Thứ nhất là nhập nhằng trong việc quản lý hoạt động giữa hai Công ty TNHH Thành Bưởi và Công ty CP Thương mại Thành Bưởi đều do ông Lê Đức Thành đứng tên; Thứ hai, gây ngộ nhận cho hành khách trong việc sử dụng dịch vụ của hai đơn vị “Thành Bưởi” cung cấp; Cuối cùng là lách luật trong việc Công ty CP Thương mại Thành Bưởi tiếp nhận thông tin đặt chỗ của hành khách nhằm hoạt động kinh doanh vận tải tuyến cố định (TP.HCM – Đà Lạt) núp bóng dưới hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Công ty CP Thương mại Thành Bưởi có chức năng du lịch lữ hành, tiếp nhận thông tin đặt chỗ, ký kết với Công ty TNHH Thành Bưởi có chức năng tổ chức hoạt động vận chuyển, bãi đỗ xe.

UBND quận 10 kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở KH-ĐT thu hồi “Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh doanh nghiệp” tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong đối với Công ty CP Thương mại Thành Bưởi.

8

Trong khuôn viên 419 Lê Hồng Phong không khác gì bến xe khi hành khách tới đăng ký vé, gửi hàng hóa

Thanh tra giao thông thì “bó tay”?

Từ năm 2015, khi có những phán ánh của cử tri, nhiều cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý những vi phạm của Công ty Thành Bưởi tại số 419 Lê Hồng Phong. UBND quận 10 đã kiểm tra và phát hiện ra những sai phạm trong việc xây dựng tại số 419 Lê Hồng Phong. Tại Văn bản 7040/UBND-KT ngày 8/8/2016, UBND quận 10 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc cho thuê đất và sử dụng đất. “UBND quận 10 yêu cầu Công ty CP Giày Sài Gòn ngưng việc cho thuê mặt bằng sai quy định. Yêu cầu Công ty Thành Bưởi tạm ngưng hoạt động kinh doanh tại địa điểm số 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10 để chờ ý kiến của các ngành chức năng quận, thành phố về việc xử lý các vi phạm”, văn bản nêu rõ. Thế nhưng bãi xe này vẫn không bị ngưng và hoạt động nhộn nhịp đến nay.

Nhưng nực cười ở chỗ tại Văn bản 516/TTS-Đ1 ngày 10/6/2016, sau khi kiểm tra bãi đỗ xe số 419 Lê Hồng Phong, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, chưa phát hiện sai phạm trong việc Công ty Thành Bưởi sử dụng bãi đỗ để làm nơi đón, trả khách cho các phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Tiếp đó tại Văn bản 945/TTS-TMTH ngày 14/9/2016 gửi Chánh Thanh tra Bộ GTVT, ông Vũ Việt Hà, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT TP HCM đã xin ý kiến chỉ đạo về nghiệp vụ chuyên ngành để xử lý hành vi vi phạm “Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Tại văn bản này, Thanh tra Sở GTVT cho biết đã lập đoàn kiểm tra nhưng chưa phát hiện được hành vi vi phạm của Thành Bưởi như: Bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách.

Văn bản dẫn giải Khoản 11, Điều 3, Nghị định 86/2014 ngày 10/9/2014 của Chính phủ định nghĩa bến xe là: “Công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện chức năng phục vụ xe ô tô đón, trả khách và các dịch vụ hỗ trợ vận tải hành khách”. Thanh tra sở GTVT cũng chỉ rõ: Xét theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bến xe ô tô khách được ban hành theo Thông tư 49/2012/TT-BGTVT ngày 12/12/2012 thì việc Công ty Thành Bưởi bố trí và xây dựng các hạng mục để phục vụ kinh doanh tại số 419 Lê Hồng Phong, Q.10 như: Tổng diện tích, số vị trí đón khách, trả khách, bãi đỗ xe, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc, khu vực vệ sinh… gần như thỏa mãn các tiêu chí để xếp loại một bến xe khách loại 4.

Thế nhưng, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM lại không giám xử lý, đồng thời còn cho rằng: “Căn cứ vào quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành, vẫn còn nhận thức pháp luật chưa thống nhất trong nội bộ đơn vị và một số cơ quan, giữa việc có hay không việc Công ty Thành Bưởi lập bến xe ở số 419 Lê Hồng Phong”. Vì vậy, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM thỉnh thị Chánh thanh tra Bộ GTVT về những vấn đề nêu trên để xem xét, có chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành để Thanh tra Sở tiến hành xử lý.

Một luật sự thuộc Đoàn luật sư TP.HCM đánh giá văn bản thỉnh thị của Thanh tra Sở GTVT thể hiện sự thiếu hiểu biết về chuyên môn nghiệp vụ. “Định nghĩa về bến xe tại Nghị định 86/2014 là quá rõ. Những quy định về xử lý cũng đã rõ ràng. Việc lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT của một thành phố lớn nhất cả nước phát hiện ra vi phạm nhưng lại không xử lý mà đi hỏi Thanh tra Bộ GTVT thì cần phải xem lại năng lực và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ này. Hèn gì những năm qua nạn xe dù, bến cóc ở TP HCM cứ loay hoay không dẹp được”, vị này nói.

Ông Phạm Ngọc Lâm, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước có nhà ở cạnh “bến xe trá hình” lậu của Thành Bưởi ở 419 Lê Hồng Phong, quận 10 rất bức xúc vì hàng ngày xe ra vào nườm nượp bấm còi inh ỏi, rất mất trật tự. “Ai nói đây không phải bến xe là ngụy biện, không thể nói là nơi trung chuyển. Hàng nghìn người đi Lâm Đồng, Đà Lạt, Bảo Lộc đều ra đây để đi chứ có trung chuyển gì đâu. Mấy năm nay chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần tại các cuộc tiếp xúc cử tri, gửi đơn lên đến cả lãnh đạo quận, thành phố nhưng không biết ai chống lưng mà bến xe này vẫn ngang nhiên tồn tại”, ông Lâm bức xúc.

Quận 10 kiến nghị thu hồi đất bến xe lậu Thành Bưởi xây trường học

Ngày 23/3, trả lời Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó chủ tịch UBND quận 10 cho biết, việc hình thành, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe tại số 419 Lê Hồng Phong, P.2 là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống bến bãi, gây bức xúc với cử tri, nhân dân trong khu vực. UBND quận 10 không đồng ý việc hình thành, kinh doanh bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn quận 10.

Bà Nga cũng cho biết, UBND quận 10 đã kiến nghị UBND TP xem xét thu hồi và giao lại diện tích đất 10.936.30m2 tại khu đất 419 Lê Hồng Phong, trước mắt thu hồi và bàn giao 4.500m2 nơi có bến xe Thành Bưởi để quận xây dựng Trường THCS đạt chuẩn theo quy định, vì hiện nay các cụm liên phường 1, 2, 3, 9, 10, 11 không có trường THCS.

Cũng theo bà Nga, ngày 13/12/2016, Sở TN&MT ban hành Quyết định 3425/QĐ-STNMT-TTr thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường và tài nguyên nước của Công ty CP Giày Sài Gòn đối với khu đất có diện tích 10.936.30m2 tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10. Hiện đoàn thanh tra đã thông qua dự thảo báo cáo kết luận thanh tra, theo đó dự kiến các biện pháp xử lý: Lập thủ tục xử phạt VPHC đối với Công ty CP Giày Sài Gòn đối với hành vi “tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất hàng năm”; Yêu cầu Công ty CP Giày Sài Gòn chấm dứt ngay hành vi vi phạm, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định. Trường hợp Công ty CP Giày Sài Gòn tiếp tục sử dụng đất không đúng mục đích hoặc giảm nhu cầu sử dụng sẽ bị thu hồi.

Trước đó, ngày 16/3/2007, UBND TP HCM có Quyết định số 1027/QĐ-UBND cho Công ty CP Giày Sài Gòn sử dụng 10.936,3m2 đất tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10 để làm văn phòng, nhà kho, nhà xưởng sản xuất giày, túi xách, thời hạn thuê đất đến hết ngày 31/12/2020.

Related Posts

Our Privacy policy

https://dailytin24.com - © 2025 News