Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h cho tuyến đường sắt tốc độ cao với công nghệ hiện đại, đồng thời giải thích lý do không chọn tốc độ 250km/h.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Bộ cần tổng hợp và tiếp thu đầy đủ các ý kiến từ cuộc họp, tận dụng tối đa nội dung từ Đề án trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng thời, cơ quan cần xem xét và giải trình rõ các ý kiến của các bộ, cơ quan, địa phương, cũng như của các chuyên gia để đảm bảo sự đồng thuận trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h cho tuyến đường sắt tốc độ cao với công nghệ hiện đại, đồng thời giải thích lý do không chọn tốc độ 250km/h. Cần bổ sung các luận cứ chứng minh tính cần thiết của việc xây dựng toàn bộ tuyến mà không phân kỳ theo từng đoạn, phân tích hiệu quả đầu tư giữa hai phương án và đánh giá tính kết nối, đồng bộ nếu đầu tư phân kỳ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải giải trình lý do vì sao đường sắt tốc độ cao chọn tốc độ 350km/h (ảnh minh họa)
Đối với vận tải, quan điểm chính là ưu tiên vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết.
Với tốc độ thiết kế 350km/h, khai thác hành khách sẽ ở vận tốc 320km/h còn vận chuyển hàng hóa ở tốc độ thấp hơn hoặc trong khung giờ ban đêm, chỉ vận chuyển hàng nhẹ và hàng chuyển phát nhanh. Đối với hàng nặng, việc vận chuyển sẽ sử dụng đường sắt hiện hữu hoặc phương thức khác.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phân tích hiệu quả kinh tế dựa trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô và xây dựng cơ chế đặc thù để huy động vốn cho dự án.
Việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và độc lập, hướng tới việc hình thành một ngành công nghiệp đường sắt bao gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia.
Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu Đề án phát triển ngành đường sắt Việt Nam, lựa chọn một số doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân tham gia. Trong khi đó, Bộ Công Thương sẽ đóng góp ý kiến vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đề xuất Đề án phát triển công nghiệp liên quan đến cơ khí và chế tạo cho ngành đường sắt, đồng thời nghiên cứu cơ chế cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoặc các doanh nghiệp có năng lực tham gia.
Về phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, cùng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất Đề án phát triển nhân lực, sử dụng ngân sách nhà nước để tiếp nhận công nghệ trong các lĩnh vực như hạ tầng, cơ khí, quản lý khai thác và điều hành.
Việc phân định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương dựa trên khả năng và năng lực của mỗi địa phương là cần thiết. Trung ương sẽ thống nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch, thiết kế, công nghệ, và trang thiết bị.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần nghiên cứu cơ chế để doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia vào việc tiếp nhận, nghiên cứu, phát triển công nghệ cơ khí, chế tạo và tự động hóa.
Đường sắt tốc độ cao, cùng với đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia, được kỳ vọng trở thành “cú huých” để phát triển các ngành kinh tế quan trọng.
Về hướng tuyến, Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo thiết kế tuyến đường thẳng nhất có thể. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ ngành liên quan phải chủ động phối hợp, khẩn trương hoàn thành các công việc cần thiết để kịp thời báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Bộ Giao thông vận tải cần bổ sung và hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 1/10/2024 để phục vụ công tác thẩm định.
Hồ sơ phải rõ ràng, rà soát cơ sở khoa học, thực tiễn, cũng như nêu rõ các cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc hoàn thiện báo cáo và gửi hồ sơ xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội.
Đến ngày 7/10/2024, Bộ Giao thông vận tải cần tổng hợp và hoàn thiện báo cáo để Chính phủ xem xét. Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng để đưa vào thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 9/2024, đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ thừa ủy quyền ký tờ trình gửi Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án này.
Siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài 1.541km được đề xuất đầu tư 60-70 tỷ USD sẽ được xây dựng với đường đôi, khổ 1.435mm, sử dụng điện khí hóa.