Vì tranh chấp tài sản, chú hai và cô ba đâm đơn kiện bố tôi. Từ đó, họ tự tổ chức đám giỗ ông bà nội theo cách riêng, khiến các con, các cháu bị chia cắt, coi nhau không ra gì.

Lúc tôi còn nhỏ, ông bà nội già yếu rồi qua đời. Hàng năm, nhằm ngày giỗ, đại gia đình chúng tôi thường làm cỗ, thắp hương cúng ông bà.

Ông bà nội tôi sinh được 4 người con, gồm 2 trai, 2 gái. Bố tôi là con trai trưởng, sau đó là chú và hai người cô.

Khoảng hơn chục năm, tính từ thời điểm ông bà nội tôi mất đi, các cô, chú của tôi thường mang lễ lạt, tiền bạc tới đóng góp với bố mẹ tôi để làm đám giỗ. Theo truyền thống, việc góp giỗ bố mẹ là trách nhiệm của tất cả các con.

Đám giỗ của ông bà nội năm nào cũng được tổ chức tươm tất, chu toàn bởi bố mẹ tôi coi đó là dịp họp mặt anh chị em, con cháu trong đại gia đình. Thậm chí, có năm làm to hơn để cả anh em trong dòng tộc tới ăn uống, hàn huyên với nhau.

Tranh chấp tài sản, gia đình chia phe, mỗi người cúng ông bà một kiểu-1
Ảnh minh họa: Pexels

Thế nhưng, vài năm gần đây, ngày giỗ ông bà nội không còn vui như trước, bởi chỉ có cô út lên làm giỗ cùng bố mẹ tôi, còn chú hai và cô ba làm riêng.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng như vậy là do những tranh chấp liên quan tới mảnh đất mà ông bà nội để lại cho bố tôi.

Mảnh đất bỗng dưng nằm trong vùng quy hoạch đô thị, nên giá cả tăng mạnh lên tới vài chục triệu đồng mỗi mét vuông, nếu bán đi thì được cả mấy tỷ. Vì vậy, chú tôi quay về tranh chấp đòi chia phần. Cô ba cũng xúi vào, tạo thành một phe.

Ban đầu, bố tôi vui vẻ đồng ý cắt bớt vài trăm mét cho chú hai, nhưng chú không chịu, đòi chia một nửa mảnh đất. Bố tôi không đồng ý. Thế là, chú hai và cô ba gửi đơn kiện. Vụ kiện kéo dài tới hôm nay vẫn chưa xong.

Hai bên cạch mặt nhau nên đám giỗ ông bà cũng bị chia thành 2 nơi.

Tôi nghĩ chẳng riêng gì những người đang sống cảm thấy buồn vì tình cảm gia đình bị chia cắt, mà ngay cả hương linh của ông bà tôi cũng chẳng vui vẻ gì. Chỉ vì tiền bạc, hơn thua mà các con, các cháu tan đàn xẻ nghé, coi nhau không ra gì.

Mỗi lần về quê dự đám giỗ của ông bà nội, tôi lại thấy lòng trĩu nặng vì buồn. Tôi ao ước gia đình lại đoàn tụ, vui vẻ sum vầy như trước dù biết điều đó là khó khăn. Một khi tình cảm đã bị chia cắt, bị mất đi thì không dễ gì hàn gắn lại được như trước.

Chuyện trò với mẹ tôi về vấn đề này, bà cũng ngao ngán, thở dài bảo chuyện bên nội nhà tôi không phải là cá biệt. Ngay như bên ngoại, cũng vì chuyện đất đai, hai cậu tôi không nhìn mặt nhau, rồi mỗi người tự cúng ông bà theo cách riêng.

Có thể thấy, sức mạnh của đất đai, tiền bạc đã và đang làm xói mòn tình cảm, sự gắn kết trong nhiều gia đình. Con người với con người sống là để thương yêu nhau, anh em ruột thịt nỡ lòng nào lại chia lìa như vậy. Tình cảm là thứ cực kỳ quý giá.

Dù cho có cả núi tiền bạc đi chăng nữa thì đến khi qua đời, con người cũng có mang được gì theo đâu.