×

Con rể đưa bố mẹ từ quê lên ăn cơm, mẹ tôi mời thẳng thông gia về ngay

Tôi vừa xấu hổ vừa thất vọng về bố mẹ chồng mình. Đến chồng tôi cũng chẳng dám bênh vì biết rõ họ quá đáng.

Ngày tôi nói với mẹ rằng mình đã nhận lời cầu hôn của bạn trai, mẹ tôi có vẻ buồn khi biết con rể tương lai chính là người mà tôi đã chia tay trước đó mấy lần.

Chúng tôi quen nhau 5 năm thì 2 năm yêu xa, sau đó bạn trai trở về Hà Nội thì chia tay lên xuống không biết bao nhiêu lượt. Nguyên nhân cãi nhau thì vô số, chủ yếu là những vấn đề to nhỏ khác nhau trong cuộc sống và quan điểm cá nhân giữa 2 người. Ngoài ra chúng tôi còn mâu thuẫn vì người thân nữa.

Từ lúc quyết định nghiêm túc tiến tới hôn nhân thì chúng tôi lần lượt đưa nhau về ra mắt họ hàng. Bố mẹ tôi nhận xét con rể tương lai là một người cầu tiến, điềm đạm và giao tiếp khéo. Có lẽ vì tính chất công việc phải gặp gỡ nhiều kiểu người khác nhau nên anh ấy đủ kinh nghiệm để lấy lòng bố mẹ tôi một cách dễ dàng. Bạn trai tôi cũng dễ thương và tốt bụng, chỉ có nhược điểm duy nhất là hơi vụng về tay chân thôi.

Riêng kỷ niệm về ra mắt nhà bạn trai thì thực sự tôi chẳng muốn nhớ đến. Đường về quê vừa xa vừa xóc, làng buổi đêm thì vừa vắng vẻ vừa sợ ma. Nhưng tất cả cũng không khiến tôi sợ bằng thái độ của gia đình chồng tương lai với mình.

Ngay từ đầu tôi đã xác định tinh thần về quê bạn trai là phải ăn mặc giản dị, chú ý lời ăn tiếng nói và hành động để đỡ bị săm soi. Ấy vậy mà vẫn không tránh được thị phi mọi người ạ.

Bữa đầu tiên tôi vừa đến cổng nhà bạn trai đã bị bố anh ấy quát giật cả mình, bắt tháo giày ra đi chân đất vì cái sân đang phơi thóc! Bà nội anh ấy hơn 70 tuổi, mắt mờ rồi nhưng vẫn nhìn tôi rất kỹ từ đầu đến chân, lắc đầu than: “Bọn trẻ bây giờ đua đòi ăn mặc nhố nhăng quá” , trong khi tôi diện áo phông quần vải rất bình thường! Bạn trai thấy tôi bị khó xử nên nói nhỏ bảo tôi cứ mặc kệ, không cần bỏ vào tai những lời nhận xét của người già.

Lúc ăn cơm toàn món địa phương lạ lẫm không hợp khẩu vị cho lắm, tôi ăn hơi ít nên bị mẹ bạn trai chê là “con gái thành phố khảnh ăn”. Xong mẹ anh ấy đi buôn dưa khắp nơi, kết cục chỉ sau một buổi chiều cả làng biết tôi là “gái phố chảnh chọe”, ăn cơm quê cứ gẩy gẩy “trông ngứa mắt”.

Chị chồng tương lai đã lập gia đình ở chỗ khác nhưng hay tin có em dâu mới về chơi nên cũng chạy qua chạy lại ngó nghiêng. Chẳng biết ai bày cho chị cái kiểu thử em dâu khá lạ lùng, đó là xúi đứa con trai 4 tuổi của chị ấy ra xin tiền tôi xem “mợ có thảo tính hay không”. Lúc ấy tôi vừa nhổ đống rau ở vườn vào cho mẹ chồng làm cơm tối nên tay hơi bẩn, tôi nhờ bạn trai móc túi quần mình ra xem còn đồng nào không. Thấy có mấy chục với vài đồng tiền lẻ, tưởng cháu muốn mua kẹo bánh bim bim nên bạn trai tôi đưa cho nó tờ 5 nghìn.

Vậy là hôm sau tôi lại được lên “bản tin ngõ xóm”, cả làng chỉ trỏ cười chê tôi là đứa ki bo!

Con rể đưa bố mẹ từ quê lên ăn cơm, mẹ tôi đỏ mặt tía tai mời thông gia về ngay khi đang nấu bữa tối- Ảnh 1.

Rồi 2 lần tôi vào bếp nấu cơm đều bị nhà bạn trai chê lên chê xuống. Mẹ chồng tương lai lén quăng cả nồi thịt kho của tôi cho chó ăn vì nếm thử thấy ngọt quá, không đúng với công thức ở quê. Bà nội với bố chồng thì ăn được 2 miếng gà rang xong mắng tôi: “Ai dạy nấu ăn cái kiểu trên giời thế này?”.

Tôi vừa buồn bực vừa khó chịu, nhưng nghĩ thương bạn trai nên cố nhịn suốt 2 ngày. Đến khi về thành phố thì chúng tôi cãi nhau to. Dĩ nhiên là anh ấy bênh người nhà, còn tôi thì không hài lòng với kiểu nói chuyện nặng nề của gia đình chồng tương lai. Khác biệt văn hóa vùng miền không phải cái cớ để họ bắt lỗi mắng mỏ tôi như thế. Tôi không cần bạn trai đứng hẳn về phía mình, nhưng ít ra khi tôi bị cả nhà anh đẩy vào thế khó thì bạn trai nên nói đỡ một chút chứ. Đằng này anh ấy cứ im lặng, xong còn khuyên tôi là “dĩ hòa vi quý”, ai mà thông cảm nổi.

Sau chuyến ra mắt đầu tiên ấy thì chúng tôi chia tay. Tôi tâm sự với mẹ mình xong mẹ bảo con làm vậy là đúng. Nhà người ta không tôn trọng mình thì chẳng cần cố làm gì. Lấy nhau về chỉ có khổ, bởi hôn nhân đâu phải chuyện chỉ có 2 người.

Thế nhưng kết cục tôi lại làm trái lời mẹ. Đơn giản vì tôi nghĩ nếu kết hôn thì 2 đứa chúng tôi mới là người đi với nhau đến hết cuộc đời, nếu chỉ vì tác động xung quanh mà từ bỏ nhau thì không đáng. Vậy là bạn trai xin lỗi năn nỉ mấy câu xong chúng tôi lại quay về với nhau. Sau đó anh ấy cầu hôn tôi, và giờ đã chính thức trở thành ông xã của tôi rồi.

Đám cưới vừa kết thúc xong thì chúng tôi quay trở lại bận rộn công việc. Kế hoạch trăng mật được lùi sang năm sau, dự định ăn Tết xong thì vợ chồng tôi sẽ đi du lịch nước ngoài một chuyến và “ủ mưu” sinh em bé luôn.

Hôm qua bố mẹ chồng kéo nhau lên thành phố để khám bệnh, tiện thể ăn bữa cơm lại mặt với gia đình tôi. Vợ chồng tôi thuê nhà ở riêng nên từ hôm cưới cũng chưa quay về ngoại.

Đang trong bếp nấu nướng với mẹ thì chồng tôi đón bố mẹ từ viện qua. Bố tôi pha trà mời thông gia ngồi uống, sau đó dắt họ đi thăm thú ngõ phố xung quanh, ra công viên gần nhà đi dạo mấy vòng.

Vừa quay về thì mẹ chồng đã lao ngay vào bếp. Bà chắp tay ngó xem mẹ con tôi nấu món gì. Thấy có món chả rươi rán nóng hổi để trong lồng bàn, bà mở ra xem rồi giật mình kêu: “Con gì đây trong ghê thế”. Mẹ tôi giải thích đó là con rươi rán với trứng, món ngon đặc sản ở Hà Nội mùa này. Mẹ chồng tôi bĩu môi chê nhà giàu thành phố ăn toàn món quái gở, trông “kinh tởm” như con sâu róm thế mà cũng bỏ vào miệng được.

Nghe thông gia miệt thị bằng đủ loại từ ngữ xong mẹ tôi rất không vui. Chồng tôi cũng phát hiện tình hình bất ổn nên chạy vào nói nhỏ khuyên mẹ anh ra ngoài. Khổ nỗi mẹ chồng cứ vùng vằng không chịu, bảo để yên cho bà góp ý.

 

Rồi mâu thuẫn bắt đầu bùng nổ khi mẹ chồng đòi ăn món canh muống nấu cà. Khi đó tôi cũng đang quấy gạch cua trên bếp chuẩn bị nấu canh, mẹ chồng trông thấy liền chỉ đạo: “Con dâu đổ luôn túi cà vào nồi rau cho nóng, tí chan cơm ăn mới ngon”.

Mẹ tôi cản lại không cho trộn chung nguyên liệu kiểu đấy. Bà từ tốn nói rằng ở đây không ai ăn như vậy, canh ra canh, cà ra cà. Khi ăn có thể gắp tùy sở thích, nhưng lúc đứng bếp thì không thể nấu thập cẩm lung tung như vậy được.

Mẹ chồng vẫn giãy nảy lên cãi lại, bảo ở quê tôi mấy chục năm nay ăn vậy có sao đâu. Rồi bà lại quen tật nói năng không suy nghĩ, bóng gió rằng “người thành phố chê chúng tôi quê nghèo nên không tôn trọng khách, không đãi nổi bữa cơm đúng khẩu vị nhà quê”.

Đến đây thì mẹ tôi chính thức không nhịn nổi nữa. Bà tắt bếp bỏ dở đấy không nấu nữa, ra phòng khách tuyên bố mời thông gia tự đi ăn ở ngoài. Bố mẹ chồng tôi ngạc nhiên hỏi sao lại đuổi họ đi, mẹ tôi bình tĩnh trả lời rằng: “Người thành phố ăn uống đạm bạc không có gì cao sang, nhưng không chiều được người ở quê trái tính trái nết”.

Chồng tôi xấu hổ không biết giấu mặt vào đâu. Anh đứng giữa nhìn phụ huynh hai bên đôi co xong ngại quá đành gọi taxi đưa bố mẹ anh ấy đi ăn chỗ khác. Tôi ở nhà xoa dịu mẹ mình cho bớt cơn tăng xông.

Bữa cơm đầu tiên 2 nhà chung mâm chưa kịp bày ra đã toang rồi. Chồng tôi biết mẹ anh cư xử quá đáng nên đã nhắn tin riêng xin lỗi mẹ tôi. Chẳng biết mẹ có tha thứ hay không nhưng có lẽ từ giờ về sau thông gia đôi bên khó mà gặp lại nhau thêm lần nào nữa. Chỉ khổ vợ chồng tôi giờ không biết nên hòa giải như thế nào cho êm thấm.

Related Posts

Our Privacy policy

https://dailytin24.com - © 2025 News