Trả lời cử tri TP.HCM việc cần cân nhắc khi lấy cát biển thay thế cát sông làm đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết các bộ, ngành đã hoàn thành việc nghiên cứu, đủ điều kiện để thực hiện.

Cử tri đề nghị cần cân nhắc dùng cát biển làm đường cao tốc, Bộ nói gì?  - Ảnh 1.

Đoạn cao tốc Hậu Giang – Cà Mau qua huyện Thới Bình (Cà Mau) đang được thi công nền đường bằng cát biển – Ảnh: THANH HUYỀN

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri TP.HCM với nội dung: “Cử tri đề nghị cần cân nhắc việc lấy cát biển thay thế cát sông thi công đường cao tốc; kiến nghị cần nghiên cứu kỹ khi triển khai thực hiện.

Ý kiến khác cho rằng trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng cát biển trong xây dựng, san lấp từ rất lâu, một số nước đi đầu trong khai thác, sử dụng cát biển làm cốt liệu xây dựng là Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Mỹ với công nghệ khai thác, xử lý để sử dụng cát biển; do đó kiến nghị nghiên cứu để sớm thực hiện khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát trong xây dựng”.

Đủ điều kiện thực hiện

Trả lời cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết do nguồn cát đắp nền tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm nên việc nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông đắp nền đường các dự án giao thông trong khu vực là hết sức cần thiết.

Vấn đề này đã được Thủ tướng chỉ đạo và các bộ, ngành đã hoàn thành việc nghiên cứu, đủ điều kiện để thực hiện, cụ thể:

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Trong đó đánh giá cát biển tại khu vực biển tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng 145 triệu m3 có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012, điều kiện khai thác khả thi.

Kết quả dự án đã chuyển giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng. Hiện UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp mỏ cát biển phục vụ thi công một số dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển tại các dự án giao thông.

Đã thống nhất sử dụng cát biển đắp nền

Bộ Giao thông vận tải đã thi công thí điểm dùng cát biển đắp nền đường trên đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau;

Đã thành lập Hội đồng cấp bộ, đánh giá và thống nhất sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô tại khu vực hạ âm, nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải.

Hiện nay Ban quản lý dự án Mỹ Thuận tiếp tục sử dụng cát biển để thi công trên tuyến chính của dự án đường cao tốc Hậu Giang – Cà Mau.

Từ kết quả thí điểm cát biển và đánh giá của hội đồng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản hướng dẫn các địa phương đủ điều kiện tổ chức triển khai thực hiện.

Tỉnh Sóc Trăng đang cấp mỏ để khai thác cát biển phục vụ thi công dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, việc sử dụng vật liệu cho công trình thuộc thẩm quyền quyết định của các địa phương.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư xem xét, quyết định sử dụng nguồn cát nhập khẩu theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.