Biên kịch Vũ Liêm của phim “Độc đạo” chia sẻ anh và ê-kíp vừa hoàn thành kịch bản tập cuối phim. Kể từ khi bắt tay viết đến nay là 5 năm mới xong, nhiều chi tiết dù hay cũng không thể đưa lên phim.

Biên kịch Vũ Liêm sinh năm 1984, đã viết kịch bản các phim: Lời thì thầm từ quá khứ, Hành trình bí ẩn, Đội điều tra số 7, Mặt nạ gương, Biệt dược đen. Anh thuộc nhóm tác giả 3 người của Độc đạo cùng Phạm Đình Hải và biên tập Trung Dũng. Lần đầu tiên, Vũ Liêm chia sẻ với VietNamNet về quá trình xây dựng kịch bản cho bộ phim và tiết lộ vừa hoàn thành kịch bản tập cuối Độc đạo. 

25a325238d6935376c78.jpgBiên kịch Vũ Liêm và Phạm Đình Hải tại sự kiện ra mắt phim “Độc đạo”. Ảnh: NVCC  
Kịch bản tập cuối phải viết lại 4 lần

– Nhiều người nhận xét lâu lắm mới có một bộ phim cuốn hút và khó đoán như “Độc đạo”. Nhóm biên kịch có áp lực trước sự kỳ vọng của khán giả quá lớn?

Khi bộ phim được đông đảo người xem đón nhận với vai trò của người sáng tạo, chúng tôi rất vui. Tuy nhiên, nhiều phim truyền hình Việt Nam gần đây bị nhận xét phần đầu hấp dẫn nhưng về sau lại đuối. Do vậy, ê-kíp có chút áp lực vì khán giả đang theo dõi Độc đạo hơn nửa chặng đường, nếu đến đoạn cuối thấy có gì chưa tốt sẽ rất hẫng hụt. Khi xây dựng tập cuối, chúng tôi phải tính toán sao cho hợp logic và đúng mạch cảm xúc nhân vật, tạo ra những điểm chạm để khán giả đồng cảm.

– Đến thời điểm này anh đã viết xong kịch bản tập cuối “Độc đạo” chưa? Nhiều phim giờ vàng thường được quay song song với viết kịch bản và thi thoảng bị ảnh hưởng bởi ý kiến khán giả. Nhưng có vẻ như phản hồi của dư luận không tác động gì tới cái kết của “Độc đạo”? 

Chúng tôi vừa viết xong tập cuối. Với thể loại phim hình sự, mặc dù khi quay, biên kịch vẫn đang viết nhưng khó thay đổi bởi liên quan đến logic, đặc biệt là về nghiệp vụ cũng như lý do hành động của nhân vật, ý kiến của người xem chỉ là yếu tố tham khảo. Còn nếu nói vì ảnh hưởng của khán giả mà phải thay đổi phần cuối phim thì điều đó không xảy ra với nhóm biên kịch Độc đạo.464178543_10226141849159409_8304417725239968870_n.jpg

Phim sẽ kết thúc ở tập 36. 

– Khán giả quan tâm phim sẽ kết thúc ở tập bao nhiêu và vì sao anh có thể theo đuổi kịch bản suốt 5 năm? 

Phim dừng lại ở tập 36. Ê-kíp tính toán kỹ lưỡng nên không thể dài hơn. Đây là bộ kịch bản chúng tôi cực kỳ tâm huyết nên theo đuổi nó nhiều năm như vậy dù rất mệt.

Có tình tiết rất hay nhưng không được đưa lên phim 

– Từ khi khởi thảo kịch bản “Độc đạo” năm 2019, nhiều tập phim phải viết đi viết lại nhiều lần. Lý do tại sao thưa anh?

Phim này bắt buộc phải viết đi viết lại, đơn cử là tập cuối. Ba anh em phải xoay vòng và viết đi viết lại khoảng 4 lần vì liên quan đến các đạo diễn, cố vấn nghiệp vụ. Độc đạo có hai lớp gồm nghệ thuật và nghiệp vụ. Các đạo diễn luôn muốn có kịch bản giàu cảm xúc và hấp dẫn khán giả cũng như đáp ứng được chiều sâu diễn xuất.

Là người viết kịch bản phim cảnh sát hình sự nhiều năm, tôi cho rằng đây là phim thể hiện về mặt nghiệp vụ tốt nhất ở chỗ vừa tạo ấn tượng cho khán giả, vừa đúng nghiệp vụ. Có tình tiết hay, chuẩn, rất đời nhưng sẽ không được đưa lên phim vì liên quan đến việc lộ lọt nghiệp vụ hoặc ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền hình ảnh người chiến sĩ công an. Vì thế, chúng tôi phải mã hóa nó đi để vừa logic với câu chuyện, vừa đáp ứng về mặt nghệ thuật nhưng vẫn đúng nghiệp vụ. Đó là lý do vì sao kịch bản này phải viết lại nhiều lần.

Thêm vào đó, Khải Anh là người chỉ đạo sản xuất rất tâm huyết với kịch bản Độc đạo nên ngoài yếu tố nghiệp vụ, chúng tôi còn phải vượt qua được vị đạo diễn này.

464311452_10226141850079432_5246728400241314937_n.jpgBiên kịch khẳng định phim “Độc đạo” không liên quan phim “One Way Out”. 
–  “Độc đạo” đã đi được 2/3 chặng đường, có phản hồi nào của người xem mà ê-kíp biên kịch phải lưu tâm?

Tôi thấy không ít, nhưng có lẽ điểm khán giả nói nhiều nhất là câu chuyện có hay không người công an biến chất trong bộ phim mà đặc biệt lại đặt vào vai của Bảo Anh. Bảo Anh từ trước đến nay chuyên đóng vai công an chính diện nên đó cũng là điều chúng tôi phải cân nhắc dù câu chuyện đã có và hành trình nhân vật đi đến tập cuối.

Chúng tôi phải suy nghĩ thật thấu đáo. Không phải ê-kíp cố tạo ra hình ảnh người công an như vậy cho mới lạ và khác đi so với các phim trước mà mọi chuyện đều phải có lý do và gắn vào câu chuyện chung. Đó là điều chúng tôi phải tính toán khi xây dựng bối cảnh, hoàn cảnh, mục đích, lý do và cả yếu tố nghiệp vụ.

Thêm vào đó là câu chuyện độc đạo của Hồng. Tên phim là Độc đạo và trong những câu thoại sau này thi thoảng Hồng lại nói chỉ có một con đường như vậy thôi. Vì thế, chúng tôi phải làm rõ cho khán giả điều đó là thế nào, tại sao anh ta chỉ có một con đường độc đạo và kết cục của Hồng ra sao, anh ta có phải người xấu không. Anh ta có nhúng chàm khi làm tất cả những điều đó, có thoát được không và gặp hệ lụy gì?

Vì rõ ràng người xem nhìn thấy sự vận động của Hồng trong mọi chuyện – chập chờn giữa sáng và tối. Đôi khi khán giả cảm thấy anh ta ở vùng tối, có lúc ẩn chứa gì đó chính nghĩa và tìm cách quay về nhưng trót rồi…. Số phận, điểm dừng của Hồng được nhóm biên kịch cân nhắc rất kỹ sao cho phù hợp với tiến trình hành động và những điều nhân vật trải qua.

Ngoài ra, cũng có phản hồi vui về tuyến nhân vật phụ như Lý “toét”, các cô gái trong phim. Với nhóm biên kịch, đó là cách thức để xem khán giả hiểu câu chuyện tới đâu, hay nói cách khác là mình có đánh lừa được người xem và làm họ bất ngờ một cách thuyết phục không.464295635_10226141851039456_6967256600129969864_n.jpgHồng với diễn xuất của Doãn Quốc Đam đã chinh phục biên kịch Vũ Liêm. 
Từng hồ nghi khi Doãn Quốc Đam được chọn vào vai Hồng

– Là biên kịch của “Độc đạo” nhưng đồng thời là khán giả, anh thích nhân vật nào nhất trên phim bởi giữa câu chữ trên giấy và khi các nhân vật thành hình dưới bàn tay của đạo diễn cũng như diễn xuất của các diễn viên sẽ rất khác? Diễn viên nào thu hút anh nhất? 

Nếu để chọn 1 nhân vật đương nhiên tôi sẽ chọn Hồng. Từ trước đến nay trong hình dung của tôi, Doãn Quốc Đam hay đóng các vai khá dị và tạo sự khác biệt trong phim. Khi đạo diễn chọn Doãn Quốc Đam, tôi từng băn khoăn không biết có hợp với Hồng không. Nhưng qua thực tế chứng minh và các tập phim đã lên sóng có thể thấy cách xử lý tình huống, diễn xuất, đài từ và đặc biệt là thần thái của nhân vật trong các tình huống thì Doãn Quốc Đam đã chinh phục được cảm xúc của tôi.

Ngoài ra, với tuyến nhân vật phụ còn có Lý “toét” của Trung Ruồi. Dù ê-kíp đã set up tông của nhân vật này như vậy nhưng Trung Ruồi biến hóa tốt, nhất là khi tương tác với người khác. Anh ấy thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể, sự vui vẻ, cái nháy mắt cũng là sáng tạo riêng khiến nhóm biên kịch rất hài lòng.