Những người nằm cùng phòng đều khen tôi có người con rể hiếu thảo, họ còn tưởng đó là con trai ruột của tôi.


Ngày còn trẻ, tôi bị chồng hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Chồng tôi là người gia trưởng, ghen tuông mù quáng, tính tình cộc cằn. Cứ có vấn đề lớn nhỏ gì trong gia đình là anh lại đánh mắng tôi rất cay nghiệt. Tôi muốn ly hôn nhưng bố mẹ đẻ không cho. Vì thời đó, ly hôn là mang tiếng với làng xóm, tổn hại danh dự, thế nên bố mẹ tôi bảo khổ cũng phải chịu. Tôi từng có ý định tự tử vì sự đè ép của gia đình, sự vũ phu của chồng. Nhưng vì con gái, tôi đã cắn răng chịu đựng.

Sau rồi tôi phải bỏ đi nơi khác sinh sống mới ly hôn được chồng. Cũng vì việc này mà bố mẹ từ mặt tôi, tôi cũng giận, không liên lạc với bố mẹ.

Cho tới 5 năm sau, bà nội tôi qua đời, tôi về để tang thì mối quan hệ với bố mẹ mới hòa hoãn. Sau sự việc đó, bố mẹ bảo tôi đưa cháu về chơi, tôi cũng nghĩ không nên căng thẳng nữa, nên thỉnh thoảng lại đưa con về thăm ông bà. Nhưng chính nhờ chuyện này mà tôi tự nhủ bản thân sẽ không bao giờ hà khắc với các con, sẽ không vì danh dự mà cố chấp như vậy. Tôi sẽ là chỗ dựa vững chắc cho con gái của mình.

Thế nên, khi con tôi lấy chồng, tôi nói thẳng với con rể và thông gia rằng có chuyện gì thì về nói với tôi, tôi sẽ dạy lại con tôi chứ không nhờ người khác dạy bảo nó bằng đòn roi hay mắng chửi. Nhưng tôi cũng “nạt” con mình không được ỷ vào có mẹ làm chỗ dựa mà thiếu trân trọng chồng, thiếu kỷ luật, thiếu sự vun vén vào cho gia đình chồng.

Có lần, con gái tôi dắt theo cháu ngoại bỏ về nhà mẹ đẻ, tôi hỏi nguyên nhân, con bảo chồng đi nhậu với bạn bè tới 12 giờ đêm mới về, con khóa cửa đi ngủ trước, gọi cửa không được nên chồng tức giận đập cửa và mắng chửi con.

Tôi liền gọi con rể sang nhà nói chuyện. Tôi hỏi thẳng: “Giờ 2 đứa còn muốn sống với nhau không? Hay muốn ly hôn để mẹ biết đường sắp xếp”. Cả 2 đứa đều choáng trước thái độ cứng rắn của tôi. Con rể vội xin lỗi vợ rồi đón vợ con về. Con gái tôi cũng ngỏ ý biết mình sai rồi, lần sau sẽ không đùng đùng nóng nảy như vậy nữa.

Ngày tôi nằm viện, con rể chăm sóc từng ly từng tí, thậm chí còn nghẹn ngào cầu xin tôi cố gắng vượt qua bệnh tật- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bẵng đi một thời gian, con gái tôi lại ôm theo túi xách bỏ về nhà mẹ đẻ. Khi biết nguyên nhân chỉ vì cuối tuần, con rể ngủ quên không đưa vợ con đi siêu thị. Tôi liền đuổi con về trước khi con rể biết chuyện. Tôi bảo con đây là việc nhỏ nhặt, 2 vợ chồng nên ngồi nói chuyện với nhau chứ không phải cứ sơ sẩy là bỏ về nhà đẻ. Huống chi, con rể không đưa đi thì con và cháu ngoại có thể tự bắt taxi đi, chẳng sao cả, độc lập lên, đừng phụ thuộc vào người khác.

Yên ổn được tầm gần 1 năm thì con gái tôi lại mếu máo trở về. Con bảo bị chồng đánh. Vì chuyện quá khứ nên tôi rất căm giận đàn ông đánh vợ. Tôi hỏi nguyên nhân, con bảo con lén chồng mua đôi giày 8 triệu, chồng biết nên tát con, tức quá nên con bỏ về nhà luôn, lần này con muốn ly hôn vì đàn ông đã đánh vợ được 1 lần thì sẽ có những lần sau.

Tôi gọi ngay con rể sang. Trước mặt cả 2 vợ chồng, tôi nói với con rể: “8 triệu không phải là số tiền lớn để con có thể tát vợ, không đáng chút nào. Đây, mẹ trả con 8 triệu, con mau xin lỗi vợ và xem xét lại thái độ của mình. Con là đàn ông, sức lực khỏe hơn thì con có quyền đánh vợ mình để thể hiện bản thân hả? Con có muốn mẹ tìm vài người to khỏe để con giao lưu võ học không?”.

Con rể rối rít xin lỗi tôi rồi xin lỗi vợ và từ chối, nhất quyết không nhận 8 triệu tôi đưa cho.

Tôi quay sang con gái, cũng mắng thẳng: “Còn con nữa, giày dép con có nhiều như thế nào, chẳng lẽ con không biết. Có những đôi giày con còn chưa đi đến. Vậy mà con dám bỏ ra 8 triệu, bằng nửa tháng chi tiêu sinh hoạt, để mua một đôi giày. Con có phải là phụ nữ, có biết thế nào là tiết kiệm, là vun vén không? Con đã đủ giàu có để chi tiêu như thế chưa?”.

Con gái cũng xin lỗi tôi và chồng. Tôi bảo đừng để chuyện gì cũng phải mẹ ra tay xử lý, 2 vợ chồng cần phải biết thông cảm, bao dung và hiểu tính nhau mới mong lâu bền.

Tôi vẫn đưa cho con gái 8 triệu để con lo chi tiêu sinh hoạt tháng đó, còn đôi giày, tôi cũng bắt con phải thanh lý lại. Đôi giày vừa mua hôm trước 8 triệu, hôm sau bán lại được 5,5 triệu, chỉ có 2 ngày mà mất 2,5 triệu khiến con gái tôi tiếc tiền đứt ruột nhưng tôi vẫn không nhượng bộ.

Ngày tôi nằm viện, con rể chăm sóc từng ly từng tí, thậm chí còn nghẹn ngào cầu xin tôi cố gắng vượt qua bệnh tật- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Từ sau lần đó, tôi không phải bận tâm thêm lần nào nữa. Thỉnh thoảng cháu ngoại gọi điện, tôi hỏi thăm thì cháu nói bố mẹ đối xử với nhau rất tốt, rất thương yêu nhau.

Cách đây nửa tháng, bệnh cũ của tôi tái phát và nặng hơn. Tôi phải nhập viện điều trị. Con gái tôi đợt này lại bận rộn vô cùng vì vướng nhiều dự án buộc phải hoàn thành. Con rể liền xin nghỉ phép để vào viện chăm sóc tôi.

Con chăm tôi rất kỹ, từng ly từng tí, từ nấu cháo đem vào, pha sữa ấm, rồi dìu tôi đi vệ sinh… con đều tự tay làm hết. Những người nằm cùng phòng đều khen tôi có người con rể hiếu thảo, họ còn tưởng đó là con trai ruột của tôi.

Có lần tôi nghe thấy con rể hỏi bác sĩ: “Bác sĩ ơi, bệnh tình của mẹ cháu thế nào ạ? Xin bác sĩ cứ kê cho mẹ cháu những loại thuốc tốt nhất cho mẹ nhanh khỏe. Đợt này mẹ cháu gầy quá, có được truyền thêm thuốc bổ không ạ?”.

Nghe con hỏi thăm bệnh tình của mình mà tôi vui trong lòng. Con gọi tôi mới thân thương làm sao, lo lắng cho tôi như thể lo cho mẹ ruột vậy.

Và đêm qua, khi tôi lơ mơ ngủ thì tỉnh dậy vì cơn đau ập đến, tôi vẫn nhắm mắt nhưng trở mình một chút thì thấy con rể nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi, con xin mẹ nhanh khỏe, xin mẹ cố gắng vượt qua bệnh tật để sống thêm chục năm nữa với bọn con. Chúng con rất cần mẹ”.

Nghe con nói mà tôi ứa nước mắt. Sáng tỉnh dậy, tôi thấy con gái và con rể đang nói chuyện với nhau. Có lẽ con gái mang cháo đến.

Có 2 đứa con như thế này, tôi đã rất mãn nguyện, dù có ra đi thì cũng không còn gì hối tiếc. Nhưng vì lời của con rể đêm qua, tôi sẽ cố gắng chống chọi với bệnh tật để được vui sống bên các con thêm thời gian nữa!