Từ 25/10, Quận 1 chính thức triển khai thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố đủ điều kiện làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa đối với 41 tuyến đường còn lại trong danh mục 52 tuyến đường đã ban hành trước đó.
Sáng 25/10, UBND Quận 1, TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm 11 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa và triển khai 52 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1. Đây là địa phương đầu tiên tổ chức thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.
Quận 1 bắt đầu thí điểm thu phí vỉa hè từ đầu tháng 5/2024 tại 11 tuyến đường gồm: Hoàng Sa (phường Tân Định), đường Mạc Đĩnh Chi (phường Đa Kao), đường Hải Triều, Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé), đường Lê Thánh Tôn, Phan Bội Châu và đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), đường Hàm Nghi (phường Nguyễn Thái Bình), đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho), đường Cô Bắc (phường Cầu Ông Lãnh) và đường Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang).
Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh
Theo Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh, sau hơn 5 tháng triển khai, trật tự đô thị, hè phố, mỹ quan khu vực trung tâm Thành phố đã được sắp xếp và đi vào ổn định; đảm bảo lối đi dành cho người đi bộ thông suốt, an toàn và chưa ghi nhận việc xung đột giao thông cũng như ảnh hưởng an toàn giao thông của người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông…
Việc thí điểm thu phí đã nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của nhân dân
Thống kê, trên các tuyến đường này đã có 374 trường hợp (nhiều nhất là phường Bến Thành với 179 trường hợp) đăng kí thuê vỉa hè với tổng diện tích sử dụng là hơn 3.100 m2; tổng số phí sử dụng tạm thời một phần hè phố thu được là hơn 800 triệu đồng.
“Cũng có những trường hợp người dân vẫn có nhu cầu sử dụng một phần hè phố để kinh doanh nhưng cũng chưa đồng thuận để đăng ký. Những trường hợp này tôi đề nghị các phường tiếp tục phối hợp Phòng Quản lý đô thị tăng cường công tác vận động, thuyết phục và hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký và nộp phí theo đúng quy định. Trong quá trình người ta sử dụng phần hè phố đó thì vẫn có cái tình trạng sử dụng quá diện tích thì việc này thì các phường cũng lưu ý thêm; Đội trật tự tăng cường công tác phối hợp”, ông Vinh cho biết thêm.
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 1 đề nghị UBND Quận tiếp tục kiểm tra, quản lý 52 tuyến đường, hè phố đủ điều kiện tổ chức làm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1; tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân tra cứu và đăng ký sử dụng hè phố theo đúng danh mục các tuyến đường, hè phố đã ban hành tại phần mềm “Tra cứu và đăng ký sử dụng tạm thời hè phố Quận 1”.
Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Bí thư thường trực Quận ủy Quận 1 chỉ đạo (ảnh V.Q)
Bà Hoàng Thị Tố Nga cũng đề nghị Quận phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn đảm bảo công tác quản lý hè phố trên địa bàn Quận 1 được chặt chẽ, an ninh trật tự và mỹ quan đô thị; báo cáo định kỳ để giải quyết, chấn chỉnh kịp thời các khó khăn vướng mắc.
“Chúng ta tuyên truyền ngay từ ban đầu, giải thích ngay từ ban đầu, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và hộ dân để người ta đồng hành cùng với mình, để mong muốn của mình cuối cùng đó là trật tự đô thị, lòng lề đường trên địa bàn của Quận 1 chúng ta được khang trang, được an toàn và chúng ta góp phần cho mỹ quan đô thị của Quận 1 cũng chính là góp phần tạo nên mỹ quan đô thị của TP.HCM”, bà Hoàng Thị Tố Nga đề nghị.
Chủ tịch UBND 10 phường ký cam kết về đảm bảo trật tự vỉa hè với UBND Quận 1
Cũng từ ngày 25/10, Quận 1 chính thức triển khai thu phí sử dụng tạm thời một phần hè phố đủ điều kiện làm điểm kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa đối với 41 tuyến đường còn lại trong danh mục 52 tuyến đường đã ban hành trước đó.
Được biết, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường vỉa hè được HĐND TP.HCM khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 11 hồi tháng 9/2023. Theo đó, từ 1/1/2024, TP.HCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố với mức thu từ 20.000 – 350.000 đồng/m2/tháng. Trong đó, vỉa hè thuộc diện cho thuê phải rộng từ 3m trở lên; phần diện tích kinh doanh, buôn bán sẽ bố trí ở phía nhà dân và chừa lại ít nhất 1,5m cho người đi bộ. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng vào thực tế gặp một số khó khăn nhất định.