Nhà giáo Nguyễn Minh Thúy – nguyên mẫu bức tranh bảo vật quốc gia ‘Em Thúy’ của họa sĩ Trần Văn Cẩn – qua đời tối 9-7 tại Hà Nội, hưởng thọ 89 tuổi.
Bà Minh Thúy và hình ảnh của chính mình hồi bé trong bức tranh nổi tiếng Em Thúy – Ảnh: VIỆT VĂN
Cáo phó từ gia đình cho biết bà mất vào 18h50 ngày 9-7 tại nhà riêng ở tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Bà Nguyễn Minh Thúy chính là nguyên mẫu trong bức tranh chân dung sơn dầu nổi tiếng của họa sĩ Trần Văn Cẩn – bức Em Thúy.
Bà Nguyễn Minh Thúy sinh năm 1935, bà là cháu họ của họa sĩ Trần Văn Cẩn, gọi họa sĩ bằng bác. Năm 1943, khi bà 8 tuổi, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ chân dung bà ngồi trên chiếc ghế mây, rất ấn tượng với đôi mắt to tròn, khuôn mặt bầu bĩnh thơ ngây.
Vẻ đẹp tinh khôi của cô bé 8 tuổi ngày ấy đã được họa sĩ tài danh vĩnh cửu hóa trong bức tranh chân dung thuộc hàng tiêu biểu của tranh chân dung Việt Nam thế kỷ 20.
Theo nhà phê bình Thái Bá Vân, hình tượng cô bé trong Em Thúy phản ánh thế giới nội tâm của Trần Văn Cẩn vào những năm 1940 khi họa sĩ mang nhiều nỗi niềm trước công cuộc Âu hóa ở Việt Nam.
Lấy cảm hứng từ Em Thúy, một người Anh là Paul Zetter đã sáng tác bản nhạc Khúc minuet dành cho Em Thúy (Little Thúy Minuet).
Ông cũng chính là người đã giúp mời chuyên gia phục chế người Úc Caroline Fry phục chế bức Em Thúy năm 2004.
Tác phẩm đã được công nhận bảo vật quốc gia, hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Còn bà Thúy thì đã “bảo tồn” được nét đẹp trong sáng, thơ ngây, thanh lịch này trong suốt cuộc đời mình.
Là chị gái cả trong một gia đình công chức có 4 chị em ở 23 phố Hàng Cót, Hà Nội, cũng như những thiếu nữ Hà thành trong các gia đình khá giả thời đó, cô bé Minh Thúy được giáo dục trong môi trường nền nếp.
Lớn lên, bà học sư phạm và trở thành nhà giáo, khi thì dạy ở trường ngoại thành, lúc chuyển về dạy ở nội thành, khi dạy môn văn – sử – địa ở trường phổ thông, lúc lại dạy nữ công gia chánh ở trường sư phạm.
Sinh thời, dù chọn một cuộc đời bình lặng với nghề dạy học, sống sum vầy bên con cháu, bà Minh Thúy cũng rất trân trọng mối duyên với hội họa mà người bác tài hoa Trần Văn Cẩn đã mang đến cho bà, khiến cuộc đời bà có thêm nhiều màu sắc.