Dù đã ở tuổi xế chiều, người anh cả 74 tuổi vẫn kiên quyết khởi kiện em trai yêu cầu chia mảnh đất cha mẹ để lại. Nếu đòi được, đất sẽ để xây nhà từ đường, nhưng ông đứng tên ‘sổ đỏ’ vì là con trưởng.
TAND tỉnh Phú Thọ ngày 16.5 mở phiên tòa sơ thẩm lần 2, xét xử vụ tranh chấp chia tài sản thừa kế xảy ra trên địa bàn H.Thanh Thủy (Phú Thọ). Vụ án liên quan đến 11 người là anh chị em ruột, đều trú tại H.Thanh Thủy. Nguyên đơn là ông V.T.A (74 tuổi), bị đơn là ông V.K.B (66 tuổi).
Hồi tháng 8.2023, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, tuyên hủy bản án sơ thẩm lần 1 của TAND tỉnh Phú Thọ để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.
Mảnh đất xảy ra tranh chấp giữa ông A. và ông B.
Cha mẹ qua đời, các con “đưa nhau” ra tòa kiện chia đất
Theo đơn khởi kiện, cha mẹ của nguyên đơn và bị đơn (cha mẹ) sinh được 11 con chung, trong đó ông A. là con cả, ông B. là con thứ tư. Năm 1962, cha mẹ nhận chuyển nhượng thửa đất 1.213 m2 từ một người địa phương, chưa được cấp “sổ đỏ”.
Năm 1984, cha mẹ cho ông B. 138 m2 đất để làm nhà riêng, hơn 1.000 m2 còn lại gồm nhà, cây cối và công trình xây dựng của cha mẹ. Năm 2001 và 2015, cha mẹ lần lượt qua đời, không để lại di chúc; một trong số 11 người con cũng mất vào năm 2014.
Năm 2020, ông A. họp anh chị em bàn xây nhà từ đường của dòng họ trên phần đất hơn 1.000 m2 vì đây tài sản thừa kế chung. Tuy nhiên, ông A. “bất ngờ và sốc” khi ông B. không đồng ý và cho hay toàn bộ 1.213 m2 đất đã đứng tên ông B., được cấp “sổ đỏ” từ năm 2005.
Ông A. cho rằng em trai sử dụng thửa đất khi cha mẹ không có di chúc, gia đình không họp mặt để phân chia tài sản, cũng không ai ủy quyền làm thủ tục đứng tên, là trái quy định pháp luật.
Do vậy, ông A. đại diện cho 9 anh chị em cùng khởi kiện (vợ và con trai của người đã mất ủy quyền cho ông A. khởi kiện), đề nghị hủy “sổ đỏ” đã cấp cho ông B., chỉ cho ông B. được hưởng 138 m2, phần còn lại chia đều.
Vẫn theo lời ông B., sau khi cho ông toàn bộ 1.213 m2, cha mẹ mua một khu đất khác cùng xã để sinh sống ổn định. Đến nay, thửa đất này đã bán để lấy tiền chia cho 11 anh chị em. Ông B. cho rằng toàn bộ di sản thừa kế của cha mẹ đã được định đoạt xong, không ai có ý kiến gì, nay do “sốt đất” nên các anh chị em mới đòi quyền lợi. Ông không chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn.
Sẽ chia đều, nhưng “sổ đỏ” phải đứng tên con trưởng
Trình bày tại tòa, ông A. nói kiện em trai không phải vì cần tiền mà do thấy “giấm giúi đổ đất lấp ao, chặt cây”. Tính ra, số tiền và thời gian mà ông bỏ ra để theo đuổi vụ kiện đến nay đã “quá tiền mảnh đất”.
Quá trình giải quyết vụ án này, tòa án các cấp nhiều lần tạo cơ hội để hai bên ngồi lại với nhau, tìm tiếng nói chung, nhưng đều bất thành. Hôm qua cũng vậy, khi được hỏi có muốn hòa giải hay không, cả ông A. và em trai đều cương quyết từ chối.
Thấy ông A. có phần gay gắt, chủ tọa giơ tay, khuyên bình tĩnh. “Toà sẽ lắng nghe cả hai bên để phân xử, cần giữ hòa khí vì nguyên đơn và bị đơn không chỉ là đương sự mà còn là người nhà”, chủ tọa nói.
Theo trình bày của bị đơn là ông B., sau khi được cấp “sổ đỏ” đứng tên mình, ông đã tôn tạo để mảnh đất được như ngày hôm nay. Đại diện viện kiểm sát hỏi ông A. rằng, nếu tòa tuyên chia đều đất cho 11 anh chị em thì có sẵn sàng trả ông B. chi phí tôn tạo đất không. Ông A. lập tức khẳng định là có.
Đáng chú ý, luật sư đặt câu hỏi với ông A.: “Nếu ông xác định đòi đất về để xây nhà thờ họ thì sao không đề nghị cấp sổ đỏ diện nhà thờ họ, hoặc sở hữu chung 11 anh em mà lại đề nghị để riêng tên mình?”.
Ông A. lý giải mình là con trưởng nên sẽ đứng tên trong “sổ đỏ”. Tuy nhiên, ông sẽ đề nghị ghi chú trong sổ “đất này để thờ tổ tiên, mãi mãi không con cháu nào được mua bán chuyển nhượng”.
Không đồng tình với yêu cầu của anh trai, ông B. cho rằng 8 đơn thư (của ông A. và 7 người em) giống nhau từng dấu chấm, dấu phẩy. Đại diện viện kiểm sát cũng đặt vấn đề ông A. đại diện cho cả 7 người em để khởi kiện ông B., vậy có đảm bảo tất cả đơn thư của họ là khách quan, tự nguyện hay không. Ông A. đáp: “Tôi nghĩ chắc là không ai ép họ cả”.
Một nội dung quan trọng được tòa dành nhiều thời gian để xét hỏi, đó là có hay không việc cha mẹ của nguyên đơn và bị đơn mua một khu đất khác cùng xã rồi chuyển ra đó sinh sống ổn định.
Ông A. phủ nhận, cương quyết cho rằng cha mẹ mình sống tại mảnh đất đang tranh chấp đến khi qua đời, không có chuyện mua khu đất khác rồi chuyển nhà. Ngược lại, ông B. thì khẳng định sau khi cha mất, ông A. đã nhân danh con trưởng xin mẹ họp gia đình, quyết định bán khu đất cùng xã nêu trên, lấy tiền chia “mỗi con trai 30 triệu, mỗi con gái 2 triệu”.
“Anh em từng rất yêu thương nhau, chỉ khi giá đất tăng thì…”
Trong số 9 anh chị em còn sống, bà V.T.C, con thứ hai, là người duy nhất đứng về “phe” bị đơn. Đại diện viện kiểm sát hỏi bà C., rằng tại sao 9 người đứng về phía con trưởng, chỉ mình bà bênh ông B., “có uẩn khúc gì không?”. Người phụ nữ nói bản thân không thiếu tiền, cũng không bênh ai cả.
Theo trình bày của bà, khi còn sống, cha mẹ nhiều lần nói cho ông B. mảnh đất 1.213 m2. Bà nghĩ “cha mẹ cho cậu rồi thì tôn trọng, không nên tranh giành”.
Năm 2001, ông B. có thông báo việc làm “sổ đỏ” mảnh đất mang tên mình, khi ấy cả gia đình không ai có ý kiến gì. “Anh A. bảo sốc vì cậu B. làm sổ không ai biết, thế là nói sai rồi”, bà C. thẳng thắn.
Vẫn theo lời bà C., trước khi xảy ra vụ kiện chia đất, các anh em trong gia đình rất yêu thương, hòa thuận, kinh doanh khấm khá nhất nhì huyện. Mọi người thường xuyên sang nhà ông B. tụ họp, liên hoan, vì thế “anh A. bảo cậu B. âm thầm lấp ao, chặt cây, xây tường bao, chiếm đất mà không ai biết là không đúng”.
Giống với lời khai của bị đơn là ông B., bà C. cho hay em trai ở mảnh đất này đã 30 năm, không anh chị em nào đòi chia chác. Mâu thuẫn chỉ nảy sinh từ năm 2020, khi giá đất tăng.
Ban đầu, hai bên từng nhiều lần thỏa thuận. Ông B. chấp nhận lấy một nửa diện tích khu đất, phần còn lại sẽ xây nhà từ đường theo đúng nguyện vọng của các anh chị em trong gia đình. “Tôi thấy 600 m2 xây nhà thờ tổ là quá thoải mái, nhưng phía ông A. không chịu”, bà C. kể.
Sau nhiều giờ xét hỏi, cả hội đồng xét xử và đại diện viện kiểm sát đều nhận định, nhiều lời khai của ông A. đang có sự mâu thuẫn. Đến nay, việc ai là người đóng thuế đất chưa rõ, cũng chưa làm rõ được cha mẹ các đương sự có thực sự chuyển đến khu đất mới hay không. Để có câu trả lời, tòa cho rằng cần triệu tập những người cao tuổi tại địa phương để xác nhận.
Vì những vấn đề trên không thể giải quyết ngay tại tòa, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên xử, sẽ mở lại trong vòng một tháng tới.