Liên Bộ Công Thương – Bộ Tài chính vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mặt hàng xăng E5RON92 giảm 284 đồng/lít, giá bán lẻ 21.616 đồng/lít, thấp hơn xăng RON95-III 987 đồng/lít; Giá xăng RON95-III giảm 281 đồng/lít, giá bán lẻ 22.603 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng giảm. Trong đó, giá dầu diesel giảm mạnh nhất hơn 316 đồng, giá bán lẻ 19.878 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 231 đồng/lít, giá bán lẻ 20.095 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 292 đồng, giá bán lẻ 16.886 đồng/kg.
Giá xăng dầu đồng loạt giảm ngày hôm nay từ 15 giờ (Ảnh: NT).
Trước đó, ngày 25/7 Liên Bộ Công Thương – Bộ Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Trong lần điều chỉnh này, giá xăng E5 RON92, giảm 274 đồng/lít, giá bán lẻ hơn 21.900 đồng/lít; Giá xăng RON 95 giảm giảm 294 đồng/lít, giá bán lẻ 22.884 đồng/lít.
Dầu các loại giảm mạnh, trong đó dầu diesel giảm 310 đồng/lít, giá bán lẻ 20.194 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 338 đồng/lít, giá bán lẻ 20.326 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm mạnh 433 đồng/kg, giá bán lẻ không cao hơn 17.178 đồng/kg.
Trong phiên điều chỉnh ngày 18/7, giá xăng E5 RON 92 giảm 108 đồng/lít, giá bán là 22.174 đồng/lít; Giá xăng RON 95 giảm 116 đồng, giá bán còn 23.178 đồng/lít; Giá dầu diesel cũng được điều chỉnh giảm 330 đồng/lít, giá bán ở mức 20.504 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 374 đồng, giá bán lẻ 20.664 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S giảm 173 đồng, giá bán lẻ 17.611 đồng/kg.
Phiên điều chỉnh ngày 11/7, giá xăng E5RON92 giảm 179 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 22.282 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 258 đồng/lít, giá bán lẻ không cao hơn 23.294 đồng/lít. Dầu các loại cũng chung xu hướng giảm, trong đó dầu diesel giảm 342 đồng, giá bán lẻ hơn 20.830 đồng/lít, dầu hỏa giảm 178 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 21.038 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 250 đồng, giá bán lẻ không cao hơn 17.784 đồng/kg.
Như vậy, trên cả nước hiện còn khoảng 296 thương nhân phân phối xăng dầu, cùng 36 thương nhân đầu mối và hàng trăm, hàng nghìn đại lý xăng dầu bán lẻ trên khắp cả nước.
Mới đây, tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu của Chính phủ do Bộ Công Thương chủ trì, cơ quan soạn thảo đưa ra hai kiến nghị, đề xuất lớn đối với kinh doanh xăng dầu.
Thứ nhất, doanh nghiệp không được quyền quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trước đây mà chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về cho ngân sách Nhà nước quản lý.
Hai là, cơ quan soạn thảo tiếp tục bảo lưu đề xuất doanh nghiệp xăng dầu được quyền tự định đoạt giá xăng dầu trên cơ sở giá trần, giá cơ sở do Nhà nước đưa ra.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có kiến nghị Bộ Công Thương về một số quy định tại dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83, Nghị định 95.
VCCI cho rằng, dự thảo đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu. Theo đó, doanh nghiệp được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần của Nhà nước. Theo cơ chế được đề xuất, cơ quan Nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi doanh nghiệp tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan Nhà nước công bố giá bán cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu định kỳ.
Theo VCCI, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu.
“Vì thế, đại đa số doanh nghiệp vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với doanh nghiệp khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành”, VCCI góp ý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ KH&ĐT gửi Bộ Tư pháp thẩm định về dự thảo nghị định nói trên, cơ quan này đề xuất có cơ chế, pháp lý ràng buộc việc doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm về mức giá bán lẻ đưa ra.
Bên cạnh đó, cần cơ chế người tiêu dùng được trả tiền, sau khi cơ quan Nhà nước (Bộ Tài chính – Bộ Công Thương) rà soát mức giá bán lẻ xăng dầu, nếu phát sinh sai phạm, doanh nghiệp cần bồi hoàn cho khách hàng.
Bộ KH&ĐT cho biết, dự thảo nghị định của Bộ Công Thương xây dựng theo hướng giao việc tính toán, quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng không có quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm, đền bù thiệt hại cho các đối tượng liên quan (Nhà nước, người dân…) trong trường hợp doanh nghiệp tính toán giá chưa chuẩn xác, khi có những sai phạm liên quan tới tính giá.
Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, bổ sung các điều khoản cụ thể quy định cụ thể trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đối với việc bình ổn thị trường xăng dầu theo cách điều hành giá mới.