Mới đây, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam một số ca sĩ, người mẫu về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Căn cứ vào cấu thành của hành vi mà người phạm tội có thể phải chịu các hình phạt tương ứng.
Thông tin mới đây của Bộ Công an đưa ra tại đợt 1, Kỳ họp thứ 8 khóa 15 của Quốc hội cho thấy, tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Toàn quốc hiện có hơn 223.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước). Đặc biệt, trong số đó có không ít người là giới nghệ sỹ, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Mới đây, công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam người mẫu An Tây, ca sĩ Chi Dân và Nguyễn Đỗ Trúc Phương (KOL có ảnh hưởng trên mạng xã hội) về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, riêng người mẫu An Tây còn bị khởi tố thêm về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Cách đây một tháng, ca sĩ Chu Đăng Thanh (vẫn thường được biết đến với nghệ danh Chu Bin) đã bị tạm giữ để điều tra về hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy. Chu Bin từng tham gia cuộc thi Vietnam Idol và lọt Top 30.
Nhóm người nổi tiếng vừa bị bắt vì ma túy gồm: ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây cùng “cô tiên từ thiện” Nguyễn Đỗ Trúc Phương.
Giữa năm ngoái, hai diễn viên Lệ Hằng và Hữu Tín cùng vướng vào vòng lao lý vì liên quan đến sử dụng và tàng trữ, mua bán trái phép chất ma tuý. Công an quận Đống Đa, TP. Hà Nội khởi tố bị can đối với Bùi Thị Lệ Hằng (diễn viên Lệ Hằng) về tội mua bán trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng phát hiện Lệ Hằng mua bán trái phép ma túy và thu giữ tang vật gần 0,7 gram ma túy tổng hợp. Còn bị cáo Trần Hữu Tín (diễn viên hài Hữu Tín) bị toà tuyên phạt 7 năm 6 tháng tù về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, trước đây, theo Bộ luật Hình sự 1999, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được coi là tội phạm và bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đến năm 2009, khi sửa đổi, bổ sung Bộ luật này, tội danh sử dụng trái phép chất ma túy đã được bãi bỏ. Hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng không quy định đây là một tội danh.
Việc không hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ quan điểm xem người nghiện là nạn nhân của tệ nạn xã hội, mắc phải một hiện tượng bệnh lý mà hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Để hỗ trợ người nghiện vượt qua cám dỗ và làm lại cuộc đời, cần có sự giúp đỡ kiên trì, lâu dài từ gia đình, xã hội, kết hợp với các liệu pháp tâm lý, động viên nhằm xóa bỏ mặc cảm. Thực tiễn áp dụng Bộ luật Hình sự 1999 cho thấy, số lượng người bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không nhiều; tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa không cao và không khắc phục được tình trạng tái nghiện.
Trên cơ sở đó, Bộ luật Hình sự 2015 tiếp tục kế thừa quan điểm phi hình sự hóa hành vi này, không quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm.
Mặc dù không bị xử lý hình sự, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy vẫn bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Cụ thể, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, trong một số trường hợp quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong trường hợp một nhóm đối tượng tụ tập, sử dụng trái phép chất ma túy thì tùy vào tích chất và mức độ vi phạm mà sẽ phải chịu những chế tài khác nhau.
Căn cứ theo Điều 255 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, cụ thể như sau:
Thứ nhất, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Thứ hai, bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm trong các trường hợp:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
đ) Đối với người đang cai nghiện;
g) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
h) Tái phạm nguy hiểm.
Thứ ba, bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
d) Đối với người dưới 13 tuổi.
Thứ tư, bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy đồng thời thực hiện thêm một hoặc nhiều hành vi khác như: mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy,… họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với từng hành vi đó. Cụ thể, nếu người này không chỉ sử dụng mà còn tàng trữ chất ma túy với mục đích sử dụng hoặc thực hiện hành vi mua bán hay vận chuyển, các hành vi này sẽ được xử lý độc lập theo các tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Pháp luật Việt Nam coi các hành vi như mua bán, tàng trữ, hoặc vận chuyển ma túy là cực kỳ nguy hiểm bởi đây chính là nguồn gốc thúc đẩy sự phát triển của tệ nạn nghiện ngập, hủy hoại không chỉ cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Việc sử dụng ma túy chỉ được xem như tình tiết bổ sung trong quá trình điều tra và xét xử các tội danh liên quan, không làm thay đổi bản chất hoặc mức độ nguy hiểm của các tội danh khác mà người phạm tội thực hiện.