Một nam shipper (tài xế giao hàng) tại Hàn Quốc, người nổi tiếng vì kiếm được 12 triệu won, tương đương hơn 220 triệu đồng, mỗi tháng tháng đã qua đời sau một tai nạn giao thông.
Báo Dân Trí ngày 28/08/2024 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: “Nam shipper kiếm 220 triệu đồng/tháng tử nạn vì va chạm giao thông”. Với nội dung như sau:
Mới đây, thông tin Jeon Yun Bae (41 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc), người có thu nhập cao nhất trong cộng đồng shipper (người giao hàng), qua đời vì tai nạn giao thông khiến nhiều người bất ngờ.
Jeon Yun Bae, người nổi tiếng vì kiếm nhiều tiền nhất trong cộng đồng shipper, vừa qua đời sau tai nạn giao thông (Ảnh: SBS News).
Theo Sở cảnh sát Yeonsu, sự việc xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 31/7. Vào thời điểm xảy ra sự việc, một chiếc xe buýt do tài xế 50 tuổi điều khiển đã không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Chiếc xe này sau đó tông vào xe máy của shipper Yun Bae đang đi thẳng trên làn đường bên phải.
Cú tông mạnh khiến Yun Bae bị thương nặng, phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật và gần 1 tháng chữa trị nhưng cuối cùng vẫn không qua khỏi. Anh qua đời đêm 25/8.
Đến nay, tài xế xe buýt đã bị khởi tố vì tội gây chết người theo Luật tai nạn giao thông đặc biệt.
Trước đó, Yun Bae nổi tiếng là shipper kiếm được nhiều tiền nhất trong cộng đồng những người làm nghề này. Suốt 7 năm làm nghề, Yun Bae luôn bắt đầu công việc từ 9h đến 3h sáng hôm sau, lái xe trung bình 200-250km và hoàn thành 110-120 đơn hàng mỗi ngày.
Nam shipper thu nhập khủng qua đời khiến nhiều người bất ngờ, tiếc nuối vì anh từng truyền cảm hứng về ý chí, sự nỗ lực (Ảnh: SBS News).
Yun Bae không nghỉ ngơi một ngày nào. Anh cũng có khả năng ghi nhớ đường đi, địa chỉ của các điểm đến mà không cần dùng đến thiết bị định vị, bản đồ điện tử. Hằng tháng, anh kiếm được khoảng 12 triệu won (tương đương hơn 223 triệu đồng).
Nam shipper từng khiến mọi người xúc động khi bày tỏ: “Cuộc sống của tôi là như vậy. Tôi nỗ lực được thì bạn cũng sẽ làm được. Tôi mong mình có thể mang đến cho mọi người nhiều hi vọng. Tôi rất trân trọng công việc của mình, luôn đề cao yêu cầu của khách hàng và cẩn thận khi vận chuyển thực phẩm”.
Biến cố với Yun Bae khiến nhiều người hụt hẫng, tiếc thương bởi anh từng là một shipper truyền cảm hứng về sự nỗ lực. Không ít người nhận định công việc giao hàng, chạy xe là một trong những nghề phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhất.
Tiếp đến, báo Phụ nữ Việt Nam ngày 02/04/2023 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Nghiệt ngã nghề shipper ở Hàn Quốc. Nội dung được đưa như sau:
Vụ việc xảy ra từ hồi tháng 2 vừa qua nhưng mới đây lại gây chú ý trên truyền thông Hàn Quốc vì anh shipper ức quá không chịu được mà phải đâm đơn kiện.
Jo kể: “Tôi đã giao hàng tận nhà cho khách. Tuy nhiên, vài ngày sau tôi nhận được tin nhắn từ công ty. Khách hàng nói rằng anh ta không nhận được hàng và được hoàn lại 36.400 won (653.000 VNĐ) tiền mua nước”.
Jo phải vất vả mang những thùng nước đóng chai lên tầng 4 bằng cầu thang bộ vì toà căn hộ không có thang máy.
Công ty đã yêu cầu anh Jo giải thích đồng thời gợi ý rằng: “Bạn có thể tránh bị phạt bằng cách tìm ra bằng chứng mình đã giao hàng tận nơi”.
Jo ngay lập tức liên hệ với khách hàng. Khách hàng nói: “Tôi đã nhận được một tin nhắn thông báo tôi đã đặt hàng vào ngày 7 tháng 2 và hàng đã đến vào ngày hôm sau, nhưng khi tôi trở về nhà vào ngày hôm sau thì hàng đã không có ở đó”. Cuối cùng, nó được coi là một sự cố giao hàng và Jo buộc phải hoàn lại tiền cho khách.
Mất tiền oan uổng, Jo cảm thấy không phục và nghi ngờ có điều gì đó mờ ám. Thông thường, khi một mặt hàng bị thất lạc, khách hàng sẽ cố gắng tìm mặt hàng đó trước bằng cách liên hệ với người vận chuyển, nhưng khách hàng này đã nhận được tiền hoàn lại ngay lập tức từ công ty mà không cần liên hệ với anh.
Ngoài ra, thật kỳ lạ khi món đồ bị mất là nước đóng chai. Chẳng ai “thừa hơi” mà đi ăn trộm mấy chai nước vừa nặng vừa cồng kềnh, lại chẳng đáng giá.
Jo đến toà căn hộ và kiểm tra camera quan sát. Đoạn phim CCTV cho thấy một người phụ nữ bước ra và mang 4 thùng nước vào nhà, 2 tiếng rưỡi sau khi Jo giao đến. Tuy nhiên, khách hàng tiếp tục khẳng định rằng họ “không nhận được nước đóng chai”.
Hình ảnh từ camera cho thấy một phụ nữ đã mang nước vào nhà.
Jo đã trình báo với cảnh sát và nghĩ rằng “người này chắc chắn đã làm điều tương tự với các tài xế chuyển phát nhanh khác”. Sau đó, khách hàng mới thừa nhận rằng “hình như nhầm lẫn”. Đôi bên tranh cãi khiến cảnh sát phải can thiệp. 1 tháng sau, Jo được trả lại số tiền mình đã bỏ ra để bồi thường.
Vấn đề không kết thúc ở đó. Vị khách hàng sau đó lại tiếp tục đặt mua 20 thùng nước đóng chai, mỗi thùng 12kg (tổng là 240kg). Và trùng hợp, Jo vẫn là người giao hàng, bởi mỗi shipper đảm nhận giao đồ cho từng khu vực cố định.
Khi Jo nhắn tin thông báo đã giao hàng xong thì lập tức nhận được cuộc gọi từ công ty thông báo khách đã hủy đơn, anh quay lấy lại 8 thùng nước về. Vậy là Jo lại phải lẽo đẽo đi lên, đi xuống mang số hàng bị hủy về kho. Có vẻ như người này không thực sự cần nước uống đóng chai mà chỉ muốn “trả đũa” anh shipper.
Jo cho biết: “Tôi cảm thấy vị khách hàng này đang cố tình hành hạ, làm khổ mình”. Đồng thời, anh tuyên bố khởi kiện dân sự đòi 1 triệu won tiền cấp dưỡng do “tổn thất tinh thần và lãng phí thời gian”.
Cuộc chiến chưa dừng lại ở đó, trong một cuộc phỏng vấn với đài MBC, vị khách hàng tuyên bố mình mới là nạn nhân, và gửi đơn khiếu nại.
Jo dự định sẽ nộp đơn tố cáo vị khách hàng lên cảnh sát vì tội lừa đảo. Anh nói: “Điều khó khăn nhất đối với những shipper như chúng tôi là khiến khách hàng mất lòng tin, chỉ vì một kẻ xấu tính như thế này”.
Tổng hợp