Những sai sót về trang phục và văn hóa trong bộ phim truyền hình Đi Giữa Trời Rực Rỡ đang là tâm điểm chú ý của dư luận.
Mới lên sóng VTV từ ngày 31/7, bộ phim truyền hình Đi Giữa Trời Rực Rỡ đã có những tranh cãi xoay quanh chuyện trang phục của nữ chính.
Kịch bản xoay quanh Pu (Thu Hà). Ở tuổi 18, cô gái người Dao đỏ lựa chọn giữa việc học đại học hay lấy chồng giúp gia đình trả nợ. Chải (Long Vũ) là một thanh niên có xuất thân giàu có ở bản, yêu Pu say đắm.
Khán giả nhận xét phim gây ấn tượng với khung cảnh thiên nhiên tại Cao Bằng cùng những nét văn hóa truyền thống. Cảnh sắc vừa hùng vĩ vừa nên thơ mang tới cảm giác đầy thu hút. Tuy nhiên một số người nhận xét cách sử dụng trang phục trong phim chưa phù hợp thực tế của người dân tộc Dao đỏ.
Trang phục nữ chính khi đi chăn trâu bị nhận xét không phù hợp thực tế.
Trên trang cá nhân, tiến sĩ Bàn Tuấn Năng bày tỏ không hài lòng về lỗi sai trang phục trong phim. Anh viết: “Trang phục Dao nhà em có thường phục và lễ phục các nhà làm phim ạ. Chứ chị em Dao đỏ nhà em mặc bộ lễ phục đính chùm bông đỏ kia mà đi chăn trâu, để bùn đất dính vào chùm bông đỏ kia thì bà con kiếm đâu ra quần áo mà thay liên tục”.
Phía dưới bài viết của tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, cư dân mạng đưa ra nhận xét về trang phục của nữ chính khi đi chăn trâu: “Cách buộc khăn đầu kia sai cách, các chị các cô đeo không bị luộm thuộm như trên màn ảnh nhỏ”, “Mấy bộ này chúng em chỉ diện vào dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết, đám cưới thôi. Kỳ công làm cả năm mới được một bộ trang phục, mang đi chăn trâu cắt cỏ thì bao nhiêu cho đủ”, “Không nắm vững phong tục tập quán của bà con, rút cục là buồn cười cho các nhà làm phim. Lại thêm lời thoại đã được ‘Kinh hóa’ (làm cho ngôn ngữ gốc của người Dao chuyển thành tiếng Kinh) nên làm giảm tính chân thực của bộ phim. Thật tiếc!”…
Chải (giữa) cũng bị nhận xét diện trang phục không phù hợp với thực tế.
Trang phục của nhân vật nam tên Chải cũng bị nhận xét không phù hợp với thực tế. Cư dân mạng chỉ ra yếm đỏ và 2 mảnh vắt sau lưng trong trang phục của Chải thuộc về bộ lễ phục cho phụ nữ.
Thời gian gần đây phim truyền hình Việt thường bị khán giả bắt lỗi. Có những “hạt sạn” khiến người xem khó lòng chấp nhận.
Trước đó bộ phim Lỡ Hẹn Với Ngày Xanh cũng bị khán giả chỉ ra nhiều sai sót nghiêm trọng về ngành nghề. Nữ chính tên Duyên (Lê Bống) là kiến trúc sư nhưng khi nhận xét về một công trình lại nhắc đến “gu”. Giới kiến trúc sư cho rằng điều quan trọng khi đánh giá một công trình kiến trúc phải là phong cách, tỉ lệ, ngôn ngữ thiết kế hoặc mối liên hệ giữa công năng và hình thức.
Lê Bống (trái) trong phim “Lỡ Hẹn Với Ngày Xanh”.
Ngoài ra tình huống Duyên không nhận tiền tạm ứng sau khi tư vấn và chốt phương án thiết kế là điều vô lý. Bởi thực tế nếu một kiến trúc sư hành động như vậy sẽ dễ bị khách lấy mất bản thiết kế. Từ đó khán giả cho rằng khi xây dựng kịch bản có yếu tố chuyên ngành thì biên kịch cần phải tìm hiểu kĩ càng về đặc trưng của ngành nghề.
Phim hình sự Biệt Dược Đen cũng từng bị phàn nàn khi có tình huống cảnh sát điều tra thương xót và có ý bao che cho thủ phạm, không báo cáo về manh mối, dù hai người không có bất cứ mối liên quan thân thích nào. Cũng vì điều này mà nữ chính do Lương Thanh thủ vai vấp phải nhiều tranh cãi.
Lương Thanh trong vai cảnh sát điều tra của phim “Biệt Dược Đen”.
Hay như trong phim Hành Trình Công Lý, nhân vật luật sư Phương do Hồng Diễm thủ vai cũng có hành động phản bội thân chủ trong vụ tranh chấp tài sản thừa kế chỉ vì thương cảm cho bị cáo. Điều này không phù hợp thực tế cuộc sống, khiến giới luật sư “ngã ngửa” bởi Phương hoàn toàn có thể bị tước thẻ luật sư vì phản bội thân chủ là điều tối kỵ.
Hồng Diễm trong vai luật sư Phương.
Trong phim Chúng Ta Của 8 Năm Sau, khán giả tranh luận về phân cảnh nữ chính Dương (Huyền Lizzie) viết mail cho người “tố” cô đạo nhái ý tưởng. Tuy thư chỉ 5-6 dòng nhưng lỗi đánh máy, sai chính tả chi chít trong khi Dương là một người học giỏi văn, cô còn là trợ lí cho kiến trúc sư nổi tiếng, làm việc ở công ty top đầu.
Viết mail nhưng sai chi chít từ chính tả tới lỗi câu, dấu câu.