QCG tiếp tục tăng thêm 2,52% trong sáng nay nâng biên độ tăng giá trong vòng 3 tháng qua lên hơn 78% và tăng 71% chỉ trong một tháng. VN-Index tiếp tục rung lắc quanh 1.260 điểm với thanh khoản thấp.

Tình trạng rung lắc vẫn tiếp diễn trên thị trường chứng khoán phiên sáng nay, cũng là phiên khởi đầu tháng 11. VN-Index điều chỉnh 3,86 điểm tương ứng 0,31% còn 1.260,62 điểm với thanh khoản sàn HoSE ở mức thấp, chỉ ở mức 219,44 triệu đơn vị tương ứng 5.117,33 tỷ đồng.

VN30-Index điều chỉnh mạnh hơn so với VN-Index, giảm 6,91 điểm tương ứng 0,52%. HNX-Index giảm 0,63 điểm tương ứng 0,28% và UPCoM-Index giảm 0,36 điểm tương ứng 0,39%.

Có 21 mã trong rổ VN30 điều chỉnh, trong đó, MSN giảm 2%; GVR giảm 2%. Điều này gây áp lực đáng kể lên chỉ số chính. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, VCB tăng giá 1,2% đã đóng góp 1,49 điểm cho VN-Index. Mức tăng tại VHM và SAB cũng lần lượt đóng góp 0,26 điểm và 0,25 điểm cho chỉ số. Theo đó, VHM hồi phục 0,6% còn SAB tăng 1,4%.

Hầu hết cổ phiếu ngân hàng nhuốm đỏ, một số mã có mức giảm khá mạnh, từ 1% là MBB, VPB, MSB, TPB và OCB. Các mã khác như VIB, ACB, HDB, STB, SSB, NAB giảm dưới 1%.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu ngành chứng khoán. DSE giảm 2,6%; TCI giảm 2,4%; BSI giảm 1,5%; ORS giảm 1,4%; VCI giảm 1,2%; TVB giảm 1%; SSI, HCM, VND cùng giảm giá.

Nhìn chung mức giảm trên thị trường không mạnh, áp lực bán ra chưa thật sự quyết liệt nhưng tình trạng giảm lại lan rộng ở hầu hết nhóm ngành và cổ phiếu.

Nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Một số mã bị điều chỉnh mạnh, FIR thậm chí có thời điểm giảm sàn trước khi ghi nhận mất 6%; SGR giảm 2,8%; CKG giảm 2,8%; TIP giảm 2,7%; CCL giảm 2,5%; SZC giảm 2,1%; AGG giảm 1,6%.
Tài sản nhà Cường Đô La tăng gần 80%, bất ngờ sau biến cố - 1Diễn biến giá QCG trong vòng 3 tháng qua (Ảnh chụp màn hình).

Cổ phiếu QCG vẫn ngược chiều thị trường, sáng nay tiếp tục tăng thêm 2,52% lên 12.200 đồng, ghi nhận mức tăng gần 12% trong vòng một tuần qua và tăng gần 71% chỉ sau một tháng. Tính trong 3 tháng, QCG tăng giá hơn 78%, theo đó, tài sản của các cổ đông và nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này cũng tăng tương ứng.

So với thời điểm xảy ra biến cố bà Nguyễn Thị Như Loan bị bắt vào ngày 19/7, cổ phiếu QCG đã hồi phục và tăng hơn 25%.

Theo báo cáo quản trị bán niên đã cập nhật của công ty, tại ngày 30/7, bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn sở hữu xấp xỉ 102 triệu cổ phiếu QCG, ông Nguyễn Quốc Cường sở hữu khiêm tốn 537.500 cổ phiếu QCG. Vợ ông Cường là bà Đàm Thu Trang không nắm giữ cổ phần tại công ty.

Em gái ông Cường là bà Nguyễn Ngọc Huyền My sở hữu 39,38 triệu cổ phiếu còn chồng bà My là ông Lầu Đức Duy sở hữu 10,54 triệu cổ phiếu QCG.

Trong diễn biến mới nhất, Quốc Cường Gia Lai đã công bố báo cáo tài chính quý III, quý đầu tiên trên vị trí CEO của ông Nguyễn Quốc Cường, với doanh thu gấp 2,6 lần cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gấp 2,5 lần, đạt lần lượt 178 tỷ đồng và hơn 25 tỷ đồng.

Lý do kết quả kinh doanh được cải thiện là trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu bất động sản tăng đột biến lên hơn 107 tỷ đồng mà cùng kỳ năm trước không có. Việc bàn giao căn hộ cho khách hàng là nguyên nhân khiến công ty tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, công ty còn có khoản tiền thu nhập khác tăng đột biến trong quý, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước, đến từ tiền bồi thường hợp đồng.

Sáng nay, một số mã bất động sản khác cũng ghi nhận trạng thái tăng giá là DTA tăng 5,7%; TLD tăng 3,5%; HDG tăng 2,6%; DIG tăng 2,2%; DXG, HPX, KBC, VPH cũng tăng nhẹ.

Loạt cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản chịu áp lực bán và giảm giá, trong đó HPG, HSG, TLH, SMC, hay PTB, KSB, BMC đều giảm.