Ra ngoài làm ăn, đủ thứ khó khăn, cạnh tranh khốc liệt cũng không làm tôi chán nản như lúc này. Có lấy vợ, đẻ con thôi mà sao nhiều phiền phức đến vậy.
Vợ tôi còn rất trẻ, nhỏ hơn tôi gần chục tuổi, cơ thể lại mảnh mai yếu đuối, từ bé đã được cưng chiều như trứng mỏng. Em có tiền sử bị bệnh giảm tiểu cầu nên trong quá trình mang thai, gia đình lo lắng, chỉ sợ tình hình sức khỏe ảnh hưởng tới sản phụ và thai nhi.
Nhưng may mắn đã mỉm cười, vợ tôi vượt cạn thành công. Con trai tôi khỏe mạnh, cân nặng 2,8kg, chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của mọi người. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chào đón thành viên mới, cả tôi và gia đình vẫn còn không khỏi bất an.
Vợ tôi phải tiếp tục điều trị để theo dõi, sau đó lại được chuyển về chăm sóc tại khoa Dịch vụ y tế tự nguyện cho đến khi ngưỡng tiểu cầu đạt mức an toàn. Lần đầu được làm bố, lại phải lo chăm sóc vợ nên tôi có rất nhiều bối rối, ngỡ ngàng.
Cho nên khi bố tôi nói sẽ đi làm giấy khai sinh cho bé, tôi vô cùng cảm động, biết ơn vì bố mẹ luôn nghĩ cho mình, tận tình, chu đáo. Trong lúc đầu óc bối rối, có bố mẹ ở cạnh hỗ trợ thực sự quý giá.
Tôi mệt mỏi vì chuyện đặt tên cho con (Ảnh minh họa: Getty).
Bố tôi là người có học vị, hiểu rộng biết nhiều. Vì nể, ông được họ hàng, làng xóm Tết mời sang các nhà xông đất. Con cháu trong họ sinh ra, nhiều người cũng nhờ ông tra sách chữ Nho để đặt tên cho các bé.
Họ hàng, làng xóm còn nhờ vả, huống hồ là con cháu mình. Cho nên việc ông đặt tên cho cháu nội, cháu ngoại trong nhà gần như là chuyện đương nhiên.
Vì thương vợ vượt cạn khó khăn, tôi không dám nói qua nói lại, chỉ vỗ về phân tích tình hình. Em ốm yếu nằm đó, tôi đâu còn nghĩ được gì khác, cũng chẳng biết nói chuyện với em lúc nào, lo lắng còn bở hơi tai. May có bố giúp cho việc đó, biết ơn còn không hết, sao em lại phản ứng?
Vả lại, cái tên Hoài Dương ông đặt nghe vừa hay, vừa có ý nghĩa. Con mình sẽ thông minh, có cuộc sống và tương lai tươi đẹp, giống như bông hoa lúc nào cũng hướng về phía mặt trời.
Nhưng tôi càng nói, em càng khóc lóc ầm ĩ. Em trách tôi không quan tâm, để ý đến lời em. Thời điểm mang thai, em tâm sự sẽ đặt tên con là Nhật Nam. Chính em hỏi ý tôi và tôi cũng đã gật đầu đồng ý.
Nghe vợ nói, tôi mới giật mình nhớ ra đúng là vào thời điểm em mang thai tháng thứ 7, chúng tôi có nói với nhau về việc này, chỉ là chưa thống nhất chắc chắn.
Lúc đó, tôi gật đầu để vậy, nói chuyện xong rồi cũng quên. Bây giờ, nhìn vợ buồn chán, khóc lóc, giận dỗi không chịu ăn uống, tôi thấy vô cùng áy náy, tự giận mình vô tâm, cũng lại giận vợ làm quá.
Chuyện qua rồi, tên con thì ông nội cũng đã đặt cho, thích đẻ đứa nữa rồi đặt theo ý mình là được. Đang từ chuyện vui lại thành chuyện nặng nề thực sự không đáng.
Vợ chồng cáu giận nhau, ông bà nội tự ái. Mẹ tôi còn gọi riêng tôi ra nói rằng, vì chuyện này, bố tôi buồn và cảm thấy có lỗi với các con vì đã tự ý đi khai sinh, tự đặt tên cháu mà không hỏi ý hai đứa.
Giờ thấy vợ tôi trách móc mọi người không tôn trọng cô ấy, chịu đau đớn, khổ sở sinh ra đứa con đầu tiên cũng không được tự mình đặt tên, bố tôi suy nghĩ đến mất ngủ.
Chưa hết, mẹ vợ gọi tôi ra khuyên nhủ, nói tôi nên quan tâm vợ nhiều hơn vì vợ tôi có biểu hiện suy nghĩ quá nhiều, sợ để căng thẳng lại bị trầm cảm sau sinh thì hối cũng không kịp.
Nói thật, tôi cảm thấy không vui vẻ nổi trong tình huống hiện tại. Thà ra ngoài làm ăn, đủ thứ khó khăn, cạnh tranh khốc liệt cũng không làm tôi chán nản như lúc này.
Có lấy vợ, đẻ con thôi mà sao cũng nhiều phiền phức. Một mình tôi đứng giữa giảng hòa các bên, thực sự tôi muốn trầm cảm hơn cả bà đẻ.