Dự án này dự kiến có chiều dài khoảng 5,5km, vận tốc thiết kế 80km/h và quy mô 6 làn xe.
Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM đề xuất thực hiện dự án đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51, đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11, với tổng kinh phí hơn 12.800 tỷ đồng theo hình thức PPP.
Theo đề xuất của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM, dự án đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51 đoạn từ ngã tư Vũng Tàu đến Cổng 11 gồm có 3 hạng mục: xây dựng hoàn thiện nút giao ngã tư Vũng Tàu; xây dựng cầu vượt trực thông trên Quốc lộ 1 đoạn tuyến tránh thành phố Biên Hòa và xây dựng đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51.
Ngã tư Vũng Tàu hiện nay. Ảnh: Internet
Trong đó, đối với hạng mục xây dựng đường trên cao dọc tuyến Quốc lộ 51 có chiều dài khoảng 5,5km. Điểm đầu tuyến đường tại nút giao ngã tư Vũng Tàu và điểm cuối tại nút giao Cổng 11. Tuyến đường trên cao được xây dựng theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h có quy mô 6 làn xe.
Dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng.
Ngã tư Vũng Tàu (TP. Biên Hoà) là một trong những cửa ngõ giao thông của Đồng Nai, nối liền các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 51. Đây là giao điểm những con đường đi TP. HCM, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và các tuyến đường vào tỉnh Bình Dương và Khu công nghiệp Biên Hòa 1, khu dân cư An Bình…
Chính vì vậy, khu vực này được gọi vùng “tam giác vàng” TP. HCM – Đồng Nai – Bà Rịa-Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Việc xây dựng cầu vượt được xem là lời giải cho bài toán giao thông phức tạp hiện nay.
Ngã tư “tam giác vàng” kết nối ba tỉnh. Ảnh google
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc đầu tư hoàn thiện 2 nút giao ngã tư Vũng Tàu và Cổng 11 nhưng Bộ cho biết chưa bố trí được nguồn vốn cho dự án đến năm 2030.
Hiện tại, ngân sách tỉnh đang tập trung cùng trung ương đầu tư các tuyến đường cao tốc, vành đai nên cũng rất khó khăn. Vì vậy, tỉnh rất hoan nghênh đề xuất của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM thực hiện dự án theo hình thức PPP.
Lãnh đạo tỉnh chỉ ra việc đầu tư dự án theo đề xuất còn gặp vướng mắc về pháp lý và giao Sở GTVT sắp xếp lịch làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Bộ GTVT để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng đề nghị đơn vị đề xuất dự án phối hợp với Sở TN & MT, rà soát, tính toán lại chi phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án.