Trong 11 người tử nạn do sạt lở ở Hà Giang có 3 người bị vùi lấp khi cứu nạn, đó là biểu hiện tận cùng của lòng vị tha và cho thấy những người tốt luôn hiện diện.
“Có phải lòng tốt bây giờ đang rất hiếm, những người tốt đang ngày càng cô đơn, lạc lõng trong cuộc sống ích kỷ, bon chen này?”. Đó là câu hỏi đau đáu, đầy trăn trở, day dứt mà nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng đặt ra trong vở kịch “Người tốt nhà số 5”, sáng tác năm 1984. Trong 40 năm qua, câu hỏi tương tự nhiều lần được nêu lại bởi cuộc sống hiện đại quá gấp gáp dường như khiến con người trở nên lạnh lùng và thực dụng hơn, khi chuyện thấy người bị nạn làm lơ không cứu thi thoảng lại xảy ra.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những anh hùng xả thân cứu người trong các vụ cháy hay tai nạn…, giúp lấy lại niềm tin và lan tỏa tinh thần sống vì người khác. Cũng như vậy, sự hy sinh của 3 người trong thảm họa sạt lở đất tại Hà Giang hôm 13/7 cũng đánh thức tinh thần vị tha của mỗi người Việt đang đau xót vì cái chết của 11 đồng bào.
Trong những giờ khắc khoải hướng về Bắc Mê (Hà Giang) theo dõi cuộc tìm kiếm, cứu hộ, hàng triệu trái tim trĩu nặng khi biết rằng không chỉ người trên xe khách 16 chỗ gặp nạn, mà cả những người cứu họ cũng bị khối đất đá khổng lồ đổ xuống cướp đi mạng sống. Khi chiếc xe 16 chỗ đang mắc kẹt vì sạt lở, một ô tô 7 chỗ đi tới, 3 người bước xuống hỗ trợ đẩy xe khách trong bóng tối lờ mờ và cơn mưa rát mặt, rồi đợt sạt lở tiếp theo cuốn lấy họ, vùi sâu trong bùn đất.
Tôi tin rằng bất cứ người nào cũng nhận thức được mối nguy hiểm chết người có thể đang chực chờ lúc đó, vì vị trí xảy ra thảm họa đã tái diễn cảnh sạt lở vài lần kể từ hôm trước. Ai cũng nhìn ra tình thế cấp bách phải lập tức ra khỏi đoạn đường này, vì còn có mặt ở đây là còn nguy cơ mất mạng. Nhưng có lẽ ở thời điểm đó, trong đầu 3 con người ấy chỉ có ý nghĩ phải nhanh chóng hỗ trợ để cứu mười mấy sinh mạng trên xe khách kia, không có thời gian lo lắng cho an toàn của bản thân hay cân nhắc lợi hại, thiệt hơn.
Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân bị vùi lấp ra ngoài.
Những hành động anh hùng xả thân, quên mình thường xuất hiện ở những khoảnh khắc mang tính sinh tử như vậy, đó là sự bừng sáng của cái thiện, của lòng tốt và tinh thần hy sinh.
3 vị anh hùng mà chúng ta chưa biết hết tên ấy là bằng chứng cho thấy người tốt không hề cô đơn mà vẫn luôn diện diện trong cuộc sống của chúng ta, và nghĩa cử sẽ xuất hiện ở những tình huống cần đến nó. Ngoài 3 người họ, trong thảm họa đầy đau thương này, còn nhiều người khác cũng bất chấp nguy hiểm, nỗ lực cứu giúp các nạn nhân khi lực lượng chức năng chưa kịp tới nơi.
Hành động của họ như những tiếng chuông thánh thiện khi ngân lên sẽ tạo sự cộng hưởng sâu rộng, đánh thức lòng thiện và tính vị tha trong mỗi con người, là bằng chứng cho thấy truyền thống tương thân tương ái của người Việt không hề bị mai một.
Lòng tốt không thể chỉ đến từ một cá nhân, mà phải là sự đồng lòng, thấu hiểu và lan tỏa thì nền văn minh của nhân loại mới thực sự phát triển.
Tôi nhớ đến một giai thoại, khi sinh viên hỏi nhà nhân chủng học người Mỹ Margaret Mead (1901-1978) rằng đâu là dấu vết đầu tiên của văn minh nhân loại trong lĩnh vực văn hóa, bà đáp đó là một chiếc xương đùi bị gãy có niên đại khoảng 15.000 năm trước.
Margaret Mead giải thích, trong thế giới của động vật, gãy chân nghĩa là chết. Con thú bị gãy chân không thể chạy trốn khỏi hiểm nguy, không thể kiếm tìm nguồn nước hay thức ăn. Nó sẽ chết trước khi chiếc chân gãy kịp lành. Khúc xương đùi đã gãy lại được chữa lành của người tiền sử là bằng chứng cho thấy đã có ai đó ở bên cạnh đưa anh ta đến nơi an toàn, canh gác thú dữ, đã chăm sóc, giúp anh có cái ăn cho đến khi chữa khỏi vết thương. Giúp đỡ ai đó trong lúc hoạn nạn, khó khăn chính là dấu hiệu khởi nguồn của nền văn minh, là đặc tính cho thấy loài người đã thoát khỏi sự hoang dã bản năng của đời sống động vật.
Dù ở thời tiền sử hay đương đại, con người vẫn luôn phải đối mặt với thiên tai nghiệt ngã và nhiều sự cố sinh tử khác. Sự phát triển của nền văn minh vật chất cũng sẽ kéo theo những lúc chúng ta cảm thấy chua xót nghĩ rằng, phải chăng trái tim con người ngày nay đã giá lạnh, chỉ biết đến kim tiền mà thờ ơ với nỗi đau và an nguy của đồng loại. Thế nhưng vẫn luôn còn đó những tấm gương xả thân, hy sinh vì người xa lạ giúp ta lấy lại niềm tin.
Những người hùng hy sinh trong thảm họa sạt lở ở Hà Giang đã cho phép tôi trả lời câu hỏi 40 năm trước của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ: Những người tốt không cô đơn!